Ảnh minh họa |
Chương trình bình ổn đã không ngừng được nhân rộng ra ở các địa phương, các điểm bán hàng bình ổn cũng không ngừng tăng lên theo hướng chuyển các địa điểm bán hàng lẻ về khu vực nông thôn với hình thức triển khai ngày càng đa dạng, phong phú.
Chương trình đã đạt được những thành công bước đầu và được đánh giá là một trong những công cụ để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Mới đây, TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức tổng kết chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2012, nhiệm vụ bình ổn thị trường năm 2013 và tết Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 6.439 điểm bán bình ổn, trong đó có 2.784 điểm bán bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, 512 điểm bán bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, 1.119 điểm bán bình ổn mặt hàng sữa và 2.024 điểm bán bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu.
Năm 2013, Chương trình bình ổn thị trường của TP. Hồ Chí Minh mở rộng thành phần tham gia với 64 doanh nghiệp (tăng 16 DN so với năm 2012), trong đó có 59 DN sản xuất kinh doanh và 5 DN tín dụng ngân hàng. Tổng nguồn vốn cho chương trình bình ổn thị trường năm 2013 do 5 ngân hàng này đăng ký hỗ trợ doanh nhiệp là 1.960 tỷ đồng.
Quốc Hà