In bài viết

Số nợ, chậm đóng BHXH có thể tiếp tục gia tăng?

(Chinhphu.vn) - Ủy ban Xã hội của Quốc hội thấy rằng số nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Vì vậy, cần tính toán về hệ quả pháp lý khi triển khai các gói hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù khi hết thời hạn tạm dừng đóng.

22/10/2021 16:33

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 22/10, trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đánh giá: Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, BHXH Việt Nam và các cơ quan hữu quan đã chủ động, tích cực trong việc sửa đổi, ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn để kịp thời đáp ứng công tác quản lý, điều hành, phục vụ các đối tượng thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách, chế độ BHXH. Về cơ bản, các văn bản đã bảo đảm việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của các Luật.

Năm 2020, theo báo cáo của Chính phủ, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra và chiếm tỉ lệ 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; dự kiến đạt kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, theo Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, việc phát triển lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp, nếu không tính đến tác động của đại dịch COVID-19 và việc Tổng cục Thống kê thay đổi cách tính lực lượng lao động (không tính nhóm đối tượng tự sản, tự tiêu vào lực lượng lao động) thì sẽ không đạt được mục tiêu này.

Về tình hình thu BHXH, Ủy ban nhận thấy: Số thu BHXH bắt buộc tăng 6,25% nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019; mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp tăng không đáng kể, thậm chí tỉ lệ tăng có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện có xu hướng giảm nhanh.

Về tình hình nợ đóng, Ủy ban thấy rằng số nợ, chậm đóng có thể tiếp tục gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Vì vậy, cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi triển khai các gói hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù khi hết thời hạn tạm dừng đóng.

Về cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đánh giá, đây là lĩnh vực mà ngành BHXH Việt Nam luôn đi đầu trong những năm gần đây và tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được. Đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành (27/27 thủ tục hành chính).

Việc ứng dụng VssID-BHXH số trên thiết bị di động đã đạt được những kết quả tích cực và hướng tới quản lý, công khai và kiểm soát tốt hơn quá trình tham gia BHXH của các bên. Tuy nhiên, việc tham gia giao dịch điện tử của cá nhân và một số đơn vị vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là nhóm doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình có ít lao động, do hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, thiếu phương tiện, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin.

Về tình hình kết dư các quỹ, Ủy ban thấy rằng các quỹ có tính chất ngắn hạn về cơ bản đều bảo đảm khả năng chi trả, có kết dư lớn và còn có chế độ, chính sách liên quan đến các quỹ này chưa được thực hiện. Về Quỹ Hưu trí, tử tuất, mặc dù vẫn đang kết dư lớn, song cần tính toán thận trọng, kỹ càng hơn trong việc bảo đảm cân đối trong dài hạn, nhất là với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số).

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2020, ước chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là 12.782,3 tỷ đồng, Ủy ban thấy rằng các chi phí quản lý cơ bản được bố trí, thực hiện theo quy định, nhiều nội dung chi được báo cáo là đã cắt giảm so với dự toán, tuy nhiên, đều ở các mục chi không thực hiện được do bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Hạn chế tình trạng không chấp hành pháp luật về BHXH

Kiến nghị với Chính phủ, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ pháp luật về BHXH, trong đó đặc biệt lưu ý việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật để kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, khắc phục các tồn tại hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội.

Có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia BHXH tự nguyện; hạn chế hưởng BHXH một lần.

Đối với các bộ, ngành, Bộ LĐTB&XH khẩn trương trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý tiền nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế tồn đọng kéo dài; ban hành văn bản hướng dẫn việc tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, liên thông dữ liệu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giữa các cơ quan liên quan.

Với cơ quan BHXH Việt Nam, đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng. Tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản thanh toán chế độ không đúng quy định. Bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả phát triển đối tượng, tiếp tục thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hải Liên