In bài viết

Số phận 149 ha cao su hậu Dự án Nhà máy xử lý rác thải tại Trảng Bàng (Tây Ninh): Cần sớm giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân

Chính quyền huyện Trảng Bàng đã "thành thật xin lỗi" về việc "những người lạ" bất ngờ ập vào khu vườn cao su của bà Phương hồi tháng 1/2010.

04/08/2011 14:19
Chính quyền huyện Trảng Bàng đã "thành thật xin lỗi" về việc "những người lạ" bất ngờ ập vào khu vườn cao su của bà Phương hồi tháng 1/2010.
Tháng 9/2010, Báo Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh những bất cập trong việc dự kiến xây dựng Nhà máy Xử lý rác thải (NMXLRT) tại xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, có nguy cơ gây ô nhiễm nơi đầu nguồn sông Sài Gòn. Sau đó UBND tỉnh Tây Ninh đã giao UBND huyện Trảng Bàng giải quyết vụ việc theo hướng di dời NMXLRT này đến địa điểm khác. Tuy nhiên, đến nay đã gần một năm trôi qua, tính pháp lý của hợp đồng kinh tế đối với khu đất cao su do người dân trồng 20 năm vẫn còn bỏ ngỏ.
" Xin lỗi" vì " có phần thiếu sót" !
Cách đây 19 năm, hưởng ứng chủ trương cho phép người dân khai hoang và thuê đất trồng cao su, nhiều hộ dân đã ký hợp đồng kinh tế trồng cao su với Nông trường Cao su Bời Lời thuộc Công ty Cao su Tây Ninh tại địa bàn huyện Trảng Bàng. Sau khi ký hợp đồng, các hộ dân đã bỏ vốn đầu tư cải tạo đất để trồng cao su với thời gian hợp đồng là đến hết năm 2043. Sau nhiều năm nỗ lực chăm sóc, tại ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, hàng chục hộ dân đã trồng được hơn 149 ha cao su xanh tốt.
Trong những hộ dân tham gia ký kết trồng cao su tại khu vực này có gia đình bà Huỳnh Thị Lan Phương, ngụ tại TP.HCM. Trong nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng, bà Phương trình bày: Thực hiện chủ trương khai hoang đất để trồng cây công nghiệp, năm 1994 bà cùng chú mình là ông Nguyễn Hồng Minh đã ký hợp đồng kinh tế trồng 50 ha cao su với Nông trường Bời Lời. Thời hạn hợp đồng được ký kết là 50 năm, tức bằng 1 chu kỳ chăm sóc và khai thác cây cao su.
Tháng 1/2010, khi phát hiện có những "người lạ mặt" tiến hành đo đạc khu vườn cao su do gia đình mình đang quản lý, khai thác, bà Phương mới biết từ tháng 11/2008, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Văn bản chấp thuận xây dựng Dự án NMXLRT tại khu vực này. Theo Văn bản do ông Vũ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ký ngày 6/8/2011, tại khu đất cao su của gia đình bà Phương sẽ thực hiện Dự án NMXLRT do Công ty CP Thương mại và Đầu tư Nhật Hoàng thực hiện, với công suất 200 tấn rác/ngày.
Không đồng ý với cách làm thiếu minh bạch này, bà Phương đã cùng nhiều hộ dân kiến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét lại một số vấn đề như: Công nghệ của dự án trên cơ sở quy định pháp luật về quy trình xử lý rác, vị trí xây dựng Dự án NMXLRT tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn, quyền lợi của người dân được giải quyết ra sao vì theo hợp đồng kinh tế thì đến năm 2043 mới kết thúc.
Về việc "những người lạ" bất ngờ đem xe, máy, thiết bị ập vào vườn cao su của bà Phương hồi tháng 1/2010, mới đây UBND huyện Trảng Bàng đã có Văn bản giải thích: "Việc UBND xã Hưng Thuận cùng với Công an xã và Công ty CP Thương mại và Đầu tư Nhật Hoàng đến phần đất vườn cao su của bà và yêu cầu cho tiến hành khoan địa chất khảo sát xây dựng khu xử lý chất thải mà không thông báo trước cho bà là có phần thiếu sót…Thay mặt chính quyền địa phương, UBND huyện thành thật xin lỗi bà về những việc đáng tiếc đã xảy ra…".
Chờ đến bao giờ?
Sự việc này đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh và sau đó UBND tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương thống nhất di dời Dự án NMXLRT đến vị trí khác. Nhưng số phận các khu vườn cao su của người dân thì cho đến thời điểm này vẫn chưa có ý kiến giải quyết cuối cùng của UBND tỉnh Tây Ninh.
Theo Văn bản số 377/UBND do ông Văn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng ký ngày 24/4/2011, với nội dung trả lời đơn của bà Phương, thì chủ trương của địa phương sẽ cho thuê lại phần diện tích hơn 149 ha cao su cho đến hết chu kỳ sản xuất của cây cao su. Lý do là hợp đồng kinh tế mà Nông trường Cao su Bời Lời ký với các hộ dân không phải là hợp đồng thuê đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thưc hiện. Vì vậy không có cơ sở để thực hiện các hợp đồng kinh tế trồng cây cao su với thời hạn 50 năm.
Thực hiện điều này, UBND huyện Trảng Bàng đã cùng các Sở, ngành có liên quan xác định chu kỳ sản xuất của hơn 149 ha cao su và đề xuất thời gian cho thuê đất cùng thời hạn cho thuê đất. Từ ngày 1/3/2011, UBND huyện Trảng Bàng đã có Văn bản 170/UBND xin ý kiến của UBND tỉnh Tây Ninh, nhưng vẫn chưa nhận được văn bản trả lời.
Thực tế, theo phản ánh của nhiều người dân, trong điều kiện Đảng và Nhà nước đang thực hiện xây dựng nông thôn mới thì các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh cần xem xét thấu đáo việc cho người dân tiếp tục được khai thác khu vườn cao su theo hợp đồng kinh tế đã ký kết với Nông trường Cao su Bời Lời. Vì trong nhiều năm qua, các hộ dân đã bỏ rất nhiều công sức, tiền của để cải tạo đất trồng cao su; kể cả có thời điểm dù thua lỗ vì giá mủ cao su thấp, người dân vẫn cố gắng duy trì đầu tư chăm sóc vườn cao su luôn được xanh tốt.
Xét cho cùng hình thức ký hợp đồng kinh tế của các nông lâm trường tại Tây Ninh nhằm để huy động sức dân khai phá đất hoang trồng cây công nghiệp, giống như cách làm của Nông trường Cao su Bời Lời trước đây đối với hơn 149 ha cao su tại xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, đã được các cơ quan chức năng địa phương chấp thuận. Vì vậy, để bảo đảm hài hòa giữa quyền lợi của người dân với Nhà nước theo đúng quy định của luật pháp thì cần sớm chuyển đổi hình thức thực hiện hợp đồng kinh tế đối với các phần đất của tất cả các nông lâm trường tại địa phương. Nếu chỉ áp dụng đối với phần diện tích hơn 149 ha cao su chỉ vì Dự án NMXLRT không thực hiện được do vướng các hợp đồng kinh tế mà Nông trường Cao su Bời Lời đã ký với người dân theo chủ trương trước đây của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh, thì liệu có công bằng với dân?.
Việt Đức - Nguyễn Tú