In bài viết

Sớm giải quyết nhu cầu nhà ở để công nhân ‘an cư lạc nghiệp’

(Chinhphu.vn) - Nhà ở là nhu cầu bức thiết nhất với công nhân lao động. Đây là vấn đề căn cơ, có tính chất quyết định đến sự ổn định, gắn bó lâu dài của công nhân. Do đó rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành nhằm sớm giải quyết nhu cầu nhà ở để công nhân ‘an cư lạc nghiệp’.

15/06/2022 18:54

Sớm giải quyết nhu cầu nhà ở để công nhân ‘an cư lạc nghiệp’ - Ảnh 1.

Nhu cầu về nhà ở của công nhân Thủ đô rất lớn.

Nhà ở chưa đáp ứng nhu cầu người lao động

Theo thống kê, TP. Hà Nội hiện có khoảng 326.000 doanh nghiệp với trên 2,5 triệu lao động; trong đó có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp, 165.000 lao động, phần lớn là lao động ngoại tỉnh (chiếm trên 60%).

Tuy nhiên, hiện nay mới có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất-Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân, phần lớn công nhân lao động phải đi thuê và sống trong các phòng trọ chật chội, thiếu thốn các điều kiện, mức giá thuê trọ cao đã tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội...

Theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, với tốc độ phát triển kinh tế của Thủ đô hiện nay, số lượng nhu cầu về nhà ở của lao động lớn, thực tế nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Trong hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên thu nhập của người lao động bị giảm sút, vấn đề nhà ở cho công nhân lao động càng khó khăn hơn.

Hơn chục năm làm công nhân, anh Nguyễn Văn Hùng (công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh) luôn ước mơ có một căn nhà. Anh Hùng chia sẻ: "Tổng thu nhập của 2 vợ chồng tôi khoảng 16-18 triệu đồng/tháng. Sau nhiều năm làm công nhân, vợ chồng tôi cũng tiết kiệm được vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nếu mua nhà ở xã hội, tôi vẫn phải vay mượn thêm".

Chị Đỗ Thị Hoa, một nữ công nhân đang thuê trọ tại xã Kim Chung, Đông Anh mong muốn, các cấp ngành có chính sách hỗ trợ về giá mua nhà cũng như sớm xây dựng nhiều khu nhà trọ, khu nhà cho công nhân với các thiết chế đi kèm như trường học, nhà trẻ, sân chơi… để những công nhân như chị có thể đưa các con đến ở cùng và học tại đó.

Cần có cơ chế, chính sách riêng cho các dự án nhà ở công nhân

Chia sẻ với phóng viên về những bất cập nhà cho ở công nhân, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho rằng, hiện nay vấn đề nhà ở cho công nhân đang là vấn đề khó khăn nhất cần giải quyết. Việc phát triển thiết chế công đoàn gồm tổ hợp công trình phục vụ người lao động, trong đó có nhà ở và các công trình dịch vụ phúc lợi công đoàn như siêu thị, nhà trẻ, nhà văn hóa đa năng... trên địa bàn Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, việc triển khai còn chậm do thiếu quỹ đất hoặc vướng mắc nhiều thủ tục.

Mặt khác, nhiều công nhân chưa tiếp cận được nhà ở xã hội, bởi tiêu chí để ở nhà ở xã hội rất khắt khe, mức thu nhập của công nhân còn thấp nên không thể thuê, mua được nhà ở xã hội.

Trong gần 2 năm diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này cho thấy người lao động vẫn chưa an cư, làm ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của người lao động và tác động đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng.

Vì vậy, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại cũng như ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với nhà đầu tư, các nhóm đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở; nghiên cứu điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định áp dụng riêng cho các dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

"Đối với Hà Nội, trong Chương trình phát triển nhà ở lần này có đặt ra yêu cầu chú trọng nhà ở cho công nhân. Điều chỉnh cục bộ lại các khu công nghiệp để dành quỹ đất thích hợp xây dựng nhà cho công nhân thuê. Đây là một ưu điểm nhưng theo tôi vẫn cần tăng cường thêm ưu đãi về nguồn vốn; đặc biệt cần huy động vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp", TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Cùng với đó, không chỉ có nhà ở cho công nhân thuê mà phải đồng bộ cả hạ tầng xã hội để chất lượng sống của những người công nhân, của gia đình họ, của con cái họ được nâng lên như người dân ở khu vực xung quanh.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm hy vọng sắp tới, TP. Hà Nội sẽ sớm hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có gia tăng thêm các nguồn lực về kinh tế, đặc biệt là các chính sách đặc thù để phát triển hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, nhà văn hóa... góp phần gỡ vướng cho vấn đề nhà ở của công nhân.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có các chính sách ưu đãi nhiều hơn nữa, những chính sách đặc thù hơn nữa cho công nhân trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Kim Liên