Đánh giá cao sự ủng hộ của Vương quốc Anh đối với Việt Nam trong quá trình tham gia Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP), Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai JETP bằng những cơ chế, giải pháp cụ thể về tài chính, công nghệ, quản trị, hợp tác công-tư… để các nước đang phát triển thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 (Net Zero), ứng phó biến đổi khí hậu giống như các nước phát triển.
"Biến đổi khí hậu không loại trừ bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào. JETP đã có sự cam kết ban đầu là 7,5 tỷ USD từ các chính phủ và 7,5 tỷ USD từ khu vực tư nhân, nhưng điều quan trọng là phải có cơ chế hiện thực hoá các ý tưởng, cam kết bằng dự án cụ thể", Phó Thủ tướng trao đổi và nhấn mạnh sự tham gia của Việt Nam vào JETP có thể coi là mô hình hợp tác giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển.
"Việt Nam rất cần hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật, cơ chế tài chính, lựa chọn nhà đầu tư, quản trị, giảm chi phí... cho các dự án cụ thể như năng lượng tái tạo (nhất là điện gió ngoài khơi), trồng rừng, thu giữ carbon, sản xuất hydro xanh, nghiên cứu công nghệ mới...; giải pháp thay thế nguồn năng lượng hoá thạch trong bảo đảm cân bằng, ổn định hệ thống năng lượng nền", Phó Thủ tướng bày tỏ.
Tương tự như cơ chế chia sẻ vaccine trong phòng, chống đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng cho rằng các nước đang phát triển chỉ có thể chuyển đổi năng lượng công bằng, thực hiện Net Zero nếu các nước phát triển chủ động, tích cực thúc đẩy chuyển giao công nghệ về năng lượng tái tạo, tích trữ điện năng, sản xuất hydro xanh, amoniac xanh… với giá thành, chi phí hợp lý.
Cám ơn Phó Thủ tướng dành thời tiếp, Đại sứ Iain Frew đánh giá cao những cam kết, tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện Net Zero.
"Trong khuôn khổ JETP, Vương quốc Anh mong muốn được thảo luận thêm với các cơ quan hữu quan của Việt Nam về khả năng hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Net Zero, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước", Đại sứ Iain Frew bày tỏ.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi với chi phí thấp ở Vương quốc Anh, Đại sứ Iain Frew cho biết vai trò của Chính phủ trong giai đoạn ban đầu rất quan trọng, sau đó thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, để đem lại lợi ích cho các đối tác liên quan cũng như gia tăng giá trị cho các chuỗi cung ứng.
Đại diện một số doanh nghiệp năng lượng lớn của Vương quốc Anh đã báo cáo Phó Thủ tướng về một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu hoặc bắt đầu triển khai tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho rằng cần có cơ chế, "công thức" cụ thể để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo; đồng thời bảo đảm giá thành phù hợp với thu nhập của người dân với sự tham gia của Chính phủ, các tổ chức tài chính, tập đoàn lớn có kinh nghiệm, công nghệ.
Tiếp ông Stuart E. Jones, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Chủ tịch Quan hệ chính phủ toàn cầu của tập đoàn Bechtel, Phó Thủ tướng khẳng định sự cần thiết của các dự án chuyển đổi năng lượng không chỉ ở Việt Nam mà cả trong khu vực cũng như trên toàn cầu, nhằm thực hiện Net Zero.
"Nhưng không có nghĩa thực hiện Net Zero bằng mọi giá", Phó Thủ tướng lưu ý và cho rằng cần kết hợp giữa các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng hoá thạch (có công nghệ thu hồi carbon) nhằm bảo đảm cân bằng, ổn định cho hệ thống năng lượng nền.
Nhấn mạnh sự cần thiết trong hợp tác chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu, Phó Thủ tướng chia sẻ với lãnh đạo tập đoàn Bechtel về định hướng phát triển các trung tâm điện gió ngoài khơi của Việt Nam, xây dựng hệ thống truyền tải năng lượng tái tạo thông minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất, tích trữ, vận chuyển năng lượng tái tạo, hydro xanh, amoniac xanh… "Quan trọng nhất là phải có giải pháp công nghệ khả thi", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh lĩnh vực năng lượng, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đang có nhu cầu đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, những công trình giao thông ngầm phức tạp; cơ sở hạ tầng đa mục tiêu… và mong muốn tập đoàn Bechtel chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo lập các dự án, cơ hội, tìm kiếm nguồn vốn, nhà đầu tư.
"Những tuyến đường cao tốc sẽ kết nối, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, đi cùng với đó là các cơ hội phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương", Phó Thủ tướng nói và mong muốn tập đoàn Bechtel làm việc hiệu quả với các cơ quan hữu quan, đối tác, doanh nghiệp tại Việt Nam.
Cám ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, ông Stuart E. Jones cho biết Bechtel là tập đoàn xây dựng kỹ thuật hàng đầu Hoa Kỳ, hiện đang sản xuất khoảng 1/3 lượng khí hoá lỏng (LPG) trên toàn cầu, dẫn đầu về công nghệ năng lượng hạt nhân dân sự; thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, công trình ngầm phức tạp;…
"Tập đoàn Bechtel có những ý tưởng, khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án ở Việt Nam, cũng như sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao công nghệ về hydro xanh, thu giữ carbon từ nguồn năng lượng hoá thạch; thúc đẩy hợp tác liên khu vực trong chuyển đổi năng lượng, truyền tải năng lượng tái tạo", ông Stuart E. Jones nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo Bộ TN&MT, Công Thương cũng trao đổi với lãnh đạo tập đoàn Bechtel về một số dự án cụ thể mà doanh nghiệp này quan tâm.
Minh Khôi