In bài viết

Sớm phân bổ vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

(Chinhphu.vn) - Nhiều Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Do đó, Kho bạc Nhà nước ( KBNN ) kiến nghị sớm phân bổ chi tiết đến từng chủ đầu tư, từng dự án, đồng thời các chủ đầu tư cần triển khai nhanh tiến độ.

16/07/2021 20:17

Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Đức Chi phát biểu Hội nghị. Ảnh:VGP/HT.
Đây là ý kiến của ông Nguyễn Đức Chi, Tổng Giám đốc KBNN tại Hội nghị sơ kết 6 tháng công tác của ngành Tài chính vừa qua tại Hà Nội.

Phân bổ vốn còn chậm

Cụ thể, theo số liệu từ KBNN về giải ngân vốn đầu tư công, lũy kế vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2021 giải ngân qua KBNN 6 tháng đầu năm mới đạt 30,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 3,8% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm trước.  Nhiều Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Trong đó, 37/50 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, thậm chí có một số Bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công.

Do đó, KBNN kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương sớm phân bổ số kế hoạch vốn năm 2021 còn lại (khoảng hơn 53.800 tỷ đồng, bằng 11,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chi tiết đến từng chủ đầu tư, từng dự án và nhập dự toán trên hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giải ngân của các dự án. 

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2021, có khối lượng hoàn thành và kịp thời lập hồ sơ thanh toán để KBNN giải ngân.

Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, để các bộ ngành, địa phương có căn cứ chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Giải ngân đầu tư công trải qua nhiều bước, bao gồm: phê duyệt chủ trương đầu tư; phê duyệt dự án (quyết định đầu tư); giải phóng mặt bằng; phê duyệt thiết kế xây dựng; đấu thầu, thực hiện dự án và KBNN ở bước cuối cùng là giải ngân. Tuy nhiên, các đơn vị triển khai mất nhiều thời gian mới đến được bước giải ngân dẫn đến chậm tiến độ chung. Triển khai  gây ảnh hưởng rất lớn vì đầu tư công là “đòn bẩy” cho phát triển kinh tế. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định: Bộ Tài chính đã chỉ đạo KBNN áp dụng quy trình với các hồ sơ thanh toán trước, kiểm soát sau thì thực hiện trong một ngày làm việc, còn đối với những hồ sơ kiểm soát chi thì thực hiện theo đúng chế độ quy định tối đa không quá 3 ngày. 

Về số dư tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), tính đến ngày 31/3/2021, tổng số dư tạm ứng vốn đầu tư quá hạn chưa thu hồi là rất lớn, gần 7.600 tỷ đồng (trong đó, của các Bộ, ngành trung ương quản lý là trên 823 tỷ đồng, của địa phương quản lý là trên 6.770 tỷ đồng).

Vì vậy, KBNN kiến nghị, đối với các dự án đã hoàn thành, giãn, hoãn tiến độ hoặc chủ đầu tư đã giải thể, nhà thầu phá sản thì thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi hết số vốn đã tạm ứng và thực hiện tất toán tài khoản tại KBNN theo quy định.

Đối với các dự án đang thực hiện đã có khối lượng hoàn thành, hoàn tất thủ tục thanh toán để phối hợp với KBNN thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn theo quy định.

Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công chậm, KBNN thực hiện nhiệm vụ huy động vốn chủ yếu để đáp ứng trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương (NSTW); tổ chức phát hành công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường; đồng thời, gắn chặt với tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững. 

Đẩy nhanh hiện đại hoá, rút ngắn thời gian chi

Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Nguyễn Đức Chi cho hay: trong 6 tháng đầu năm 2021, hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan và các ngân hàng thương mại triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực góp phần tập trung nhanh, đầy đủ các khoản thu cho các cấp ngân sách.

Việc kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo kịp thời, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định, nhất là các khoản chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Hệ thống KBNN đã triển khai cho 100% các đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ giao dịch chi NSNN qua dịch vụ công trực tuyến đạt 98%, tăng 74% so với đầu năm 2020.

Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số, tài khoản chương trình dịch vụ công trực tuyến được cấp khi giao dịch với KBNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. 

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần có các biện pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tài chính - ngân sách tại các đơn vị sử dụng ngân sách để góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính - ngân sách quốc gia.

Phục vụ cho công tác chống dịch, vừa qua KBNN cũng thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ Tài chính giao là quản lý Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19.

Khi được giao quản lý Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, KBNN đang thực hiện quản lý Quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Theo cập nhật của KBNN, tính đến 17h00 ngày 16/7/2021 là 8.159 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi). Có 452.585 tổ chức, cá nhân đã đóng góp ủng hộ Quỹ.


Anh Minh