Sự cấp bách trong việc hỗ trợ đầu tư công nghệ cao
Theo báo cáo của Chính phủ, mục tiêu xây dựng chính sách này nhằm bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư; đồng thời phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước là ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Đây là phản ứng cần có, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động với việc các nước áp dụng chính sách thuế mới, qua đó, tác động tới thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nhiều nước trong khu vực đã và đang nghiên cứu, ban hành những hình thức ưu đãi đầu tư mới, vượt trội nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh, duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, những năm qua, khu vực FDI đã trở thành một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế Việt Nam. Theo các mục tiêu cụ thể đối với FDI được đặt ra cho giai đoạn 2021 – 2025, vốn đăng ký khoảng 150 đến 200 tỷ USD (30 đến 40 tỷ USD/năm ); vốn thực hiện khoảng 100 đến 150 tỷ USD( 20 - 30 tỷ USD/năm ); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025.
Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này gặp không ít áp lực, nhất là việc thu hút đầu tư vào các dự án quy mô lớn thuộc ngành công nghệ cao.
Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tính toán phương án hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Một cơ hội lớn đang mở ra cho Việt Nam khi Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Chiến lược "friend - shoring", nghĩa là đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp, được Hoa Kỳ quyết liệt thúc đẩy sau khi xảy ra căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Vừa qua, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng loạt chuyến viếng thăm, tìm hiểu cơ hội kinh doanh gần đây cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang thực sự quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở mới hoặc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.
Bối cảnh hiện nay đặt ra vấn đề nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi khung pháp lý về thuế, ưu đãi đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế là hết sức quan trọng và cấp bách trong khi vẫn đảm bảo được các lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Các nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty đa quốc gia đầu tư dự án mới cũng như mở rộng tại Việt Nam một phần chủ yếu là do sự ổn định của môi trường đầu tư cũng như cam kết về chính sách bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi luật pháp chính sách.
Trên thực tế, sự có mặt của các tập đoàn công nghệ cao lớn như Samsung, LG, Canon, Intel…đã tạo ra những cú hích giúp kinh tế Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Việc đồng hành và hỗ trợ cho các doanh nghiệp này trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều sự thay đổi là cần thiết để các doanh nghiệp "đầu tàu" này không rời đi và tiếp tục gia tăng đầu tư tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nếu không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng hoặc duy trì đầu tư của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam và kéo theo sự sụt giảm việc thu hút các công ty vệ tinh khác; đồng thời giảm động lực đầu tư của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, nếu không có động thái điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư và cơ chế thực hiện phù hợp thì sẽ gặp nhiều khó khăn cho việc mời gọi đại bàng (các tập đoàn lớn) đến "làm tổ".
Vì thế, các chuyên gia đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ để trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Singapore nhấn mạnh: Chính phủ có thể cân nhắc xác định các nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư lớn, có hoạt động R&D và công nghệ cao để đưa ra các phương án ưu đãi, hỗ trợ hiệu quả. Ví dụ như hỗ trợ trực tiếp để các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực ở các địa phương mà các nhà đầu tư đó hoạt động, hỗ trợ nâng cấp các ngành công nghiệp bản địa phụ trợ cho các nhà đầu tư chiến lược đó, hỗ trợ nâng cao năng suất và khả năng sáng tạo quốc gia.
Do đó, các chuyên gia cho rằng việc xây dựng, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao là cần thiết, để từng bước nâng tầm vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguyễn Đức