In bài viết

Sơn La chủ động đầu ra cho sản phẩm thế mạnh

(Chinhphu.vn) - Sơn La có diện tích trồng nhãn lớn nhất cả nước với 20.000 ha, dự kiến sản lượng hơn 100.000 tấn. Vì vậy, các giải pháp tiêu thụ sản phẩm đã được tỉnh tập trung chỉ đạo từ sớm với mục tiêu kết nối cung cầu để thương hiệu nhãn Sơn La có mặt ở các thị trường trong và ngoài nước, đem lại thu nhập cao cho người sản xuất.

27/11/2022 09:33
Sơn La chủ động đầu ra cho sản phẩm nhãn - Ảnh 1.

Người dân xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, thu hoạch nhãn chín sớm - Ảnh: Báo Sơn La

Huyện Sông Mã vào mùa thu hái nhãn chín thật sự sôi động và náo nhiệt khi bà con các dân tộc, thương lái và du khách thập phương đều "quy tụ" ở những vườn nhãn nơi đây. 

Anh Lò Văn Châm, thành viên HTX Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, phấn khởi cho biết năm nay, 1 ha nhãn chín sớm của gia đình được thương lái thu mua từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Hiện nay, gia đình đã thu hái được hơn 1 tấn, dự kiến đến hết vụ thu thêm khoảng 4 tấn nữa. Cộng với 2 ha nhãn miền thiết, cho thu hoạch từ đầu tháng 7, dự kiến vụ nhãn năm nay, gia đình anh thu khoảng 300 triệu đồng.

HTX Hoa Mười hiện có gần 30 ha nhãn, trong đó, có 13 ha nhãn chín sớm. Ông Lường Văn Mười, Giám đốc HTX, thông tin từ đầu tháng 5 đến nay, HTX đã thu hoạch trên 5 tấn nhãn chín sớm, chủ yếu bán cho các thương lái để chuyển về các chợ ở Hà Nội, Vĩnh Phúc. Giá nhãn chín sớm cao gấp 4-5 lần nhãn chính vụ. Đối với nhãn chính vụ, dự kiến sản lượng khoảng 80 tấn. Do được chăm sóc theo quy trình VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ nên quả nhãn đảm bảo tiêu chuẩn để tiêu thụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã thông tin: Toàn huyện có hơn 7.400 ha nhãn. Sản lượng năm 2022 ước đạt 60.000 tấn. Trong số diện tích trồng nhãn, có khoảng 100 ha nhãn chín sớm, với sản lượng gần 1.000 tấn. Nhãn chín sớm chỉ chiếm 1/60 sản lượng, nhưng lại cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nhãn chính vụ. Đây là mô hình tiếp tục được huyện nhân rộng, để giảm áp lực thời vụ khi quá nhiều diện tích và sản lượng nhãn tập trung thu hoạch trong một thời điểm.

Tại huyện Mai Sơn với 3.171 ha nhãn, là vùng chuyên canh nhãn lớn thứ 3 của tỉnh. Nhưng do khí hậu không phù hợp trồng nhãn chín sớm lên nhiều HTX, hộ gia đình đã lựa chọn giống nhãn chín muộn để thâm canh. 

Ông Nguyễn Văn Phòng, Giám đốc HTX Nhãn chín muộn, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, chia sẻ: HTX hiện có 12 thành viên, quy mô trên 100 ha nhãn, sản lượng vụ này ước đạt trung bình 12 tấn quả tươi/ha. Hiện nay, vườn nhãn mới đang ở giai đoạn chia quả, khi thu hoạch sẽ muộn hơn nhãn chính vụ 1 khoảng tháng.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn, cho biết: Phòng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản năm 2022, trong đó có nhãn.

Phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn đã phối hợp với các đơn vị tăng cường hoạt động giám sát đối với diện tích nhãn đã cấp VieGAP, Globalgap, mã số vùng trồng của các doanh nghiệp, HTX. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện trồng nhãn rải vụ để giảm áp lực thời vụ, tăng thu nhập. Vụ nhãn năm nay, huyện Mai Sơn dự kiến 23% sản lượng nhãn xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ...; hơn 12% cung cấp cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng trong, ngoài tỉnh; 13,5% cung cấp cho nhà máy chế biến và 51,3% tiêu thụ quả tươi trong và ngoài tỉnh.

Theo Sở NN&PTNT Sơn La, năm nay, sản lượng nhãn quả tươi toàn tỉnh ước đạt khoảng hơn 100.000 tấn. Các giống nhãn chính gồm nhãn lồng Hưng Yên đang được ghép cải tạo bằng giống nhãn chín sớm PH-S99-1.1, PH-S99-1.2; nhãn chín muộn PH-M99-1.1, PH-M99-1.2... Năm 2021, “Nhãn Sơn La” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Vụ nhãn 2022, tỉnh Sơn La phấn đấu xuất khẩu hơn 7.000 tấn (3.000 tấn nhãn quả tươi, 3.800 tấn long nhãn, 540 tấn nước ép nhãn cô đặc) còn lại là tiêu thụ nội địa.

Đồng hành hỗ trợ người dân tiêu thụ nhãn và nông sản năm nay, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản, kết nối trực tuyến tới 24 điểm cầu các tỉnh, thành trong nước và 16 điểm cầu nước ngoài tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, UAE... Sơn La đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh nói chung và sản phẩm nhãn nói riêng.

Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, sản phẩm nhãn Sơn La đã vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như: WinMart, WinMart+, Big C, Lotte... và được tiêu thụ tại nhiều tỉnh như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa.... Cùng với tiêu thụ trong nước, nhãn Sơn La từng bước xây dựng chỗ đứng tại thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... và được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng.

 Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hoa quả Sơn La, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, là một trong những doanh nghiệp mạnh của tỉnh trong việc thu mua, tiêu thụ nông sản, trong đó có sản phẩm nhãn. 

Bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Công ty, thông tin vụ nhãn 2021, Công ty đã thu mua sấy 30 tấn quả nhãn khô và gần 200 tấn long nhãn cung cấp cho hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Với 4 lò sấy long nhãn, công suất trung bình 12 tấn nhãn quả tươi/ngày đêm, cộng với hệ thống kho lạnh, bảo quản đạt tiêu chuẩn đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện cho xuất khẩu đã sẵn sàng. Đồng thời liên hệ với các bạn hàng ở các tỉnh thành để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.

 Cùng với các giải pháp về tiêu thụ nhãn quả tươi, Sơn La đã đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ nhãn, nhất là chế biến sản phẩm long nhãn. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 600 cơ sở chế biến long nhãn, sản lượng long nhãn năm 2022 ước đạt 6.000 tấn. Long nhãn được chế biến bằng phương pháp sấy nhiệt gián tiếp và có áp dụng hệ thống cảm biến nhiệt, điều chỉnh tự động nên vẫn giữ được màu, chất lượng đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu làm dược liệu. Hiện nay, long nhãn Sơn La vừa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước Châu Á. Sản phẩm long nhãn Sơn La cũng được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử như: Voso, PostMart, Lazada, Tiki, Shopee, Sendo.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết TP. Hà Nội và tỉnh Sơn La đã phối hợp trong triển khai các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu hàng hóa. Các doanh nghiệp Hà Nội đã kết nối, tiêu thụ sản phẩm nhãn và trái cây Sơn La. Hà Nội sẽ  tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP của Sơn La tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, tuần hàng trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP tại Hà Nội để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm Sơn La.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản nông sản chủ lực của Sơn La nói chung và sản phẩm nhãn nói riêng đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các điều kiện của thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Tỉnh Sơn La cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, huy động tối đa các nguồn lực hậu cần, hạ tầng, an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác trong suốt niên vụ năm 2022.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để quả nhãn chín sớm và chín muộn, kéo dài vụ thu hoạch, gắn với nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nhãn, đặc biệt là sớm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, Sơn La đang nỗ lực đưa nhãn đến thị trường trong nước và xuất khẩu.

LS