* Ý kiến của người dân
Ông Lò Văn Học ở bản Pá Chiến, xã Chiềng San, huyện Mường La bức xúc: Thủy điện Nậm Chiến xả lũ vào buổi trưa ngày 23/6 là không đúng quy trình, đáng lý ra họ phải xả trước đó, và xả từ từ. Họ xả to làm tăng lũ, bây giờ 4,5 ruộng lúa của dân bản Pá Chiến biến thành bãi đá mất rồi, cả con mương bê tông kia, hàng ngày dẫn nước về ruộng, nay cũng không còn thấy vì đất đá vùi lấp, cuốn trôi. Việc thủy điện xả lũ có hại cho dân nhiều quá. Mặc dù, khi đập chuẩn bị xả lũ, cán bộ thủy điện có báo cho dân vùng hạ lưu đập biết trước khoảng 3 - 4 tiếng. Bây giờ bãi đá to thế này nằm trên ruộng, cả đời này dân chưa chắc đã khôi phục lại. Được củi thì mất ruộng, không có ruộng thì không có gạo thóc, chỉ bằng cách mua ăn thôi.
Ông Lò Văn Sơn ở bản Pá Chiến, xã Chiềng San, huyện Mường La cũng than thở: Lúc thủy điện xả lũ, bà con đang mải mê vớt củi trên dòng suối Chiến. Lũ cuốn trôi nhiều đất đá, cây to, lũ còn làm ngập, vùi lấp một số diện tích lúa đang chuẩn bị gặt. Rất may bà con chạy kịp, không bị trôi người. Lũ đợt này, dân lấy được củi, nhưng làm mất ruộng, thiệt hại vĩnh viễn, nhiều nhà không còn ruộng, dân sẽ khổ.
Bà Lò Thị Cóng ở bản Chiến thì phàn nàn, lũ ập về ngập úng dưới sàn nhà, ao cá mất hết, chuồng nhím ở dưới gầm sàn may còn tháo kịp để nhím chạy ra. Nhưng gỗ cột nhà của một số hộ ngâm dưới lòng mương thì trôi hết. Họ lấy được một tý củi gỗ, nhưng lại để trôi mất bộ cột nhà.
Ông Lèo Văn Sơn, Phó Chủ tịch HĐND xã Chiềng San (huyện Mường La) cho biết : Thủy điện Nậm Chiến 2 xả cửa không đúng quy định của Bộ Công Thương, không đúng theo nguyện vọng của dân, họ xả trên cốt 270m dẫn đến làm ngập ruộng lúa, hoa mầu của dân, vì thế dân mới bức xúc. Trước đó, lũ thường thôi, nhưng Ban Quản lý thủy điện cho tích nước hồ qua nhiều thời gian và xả lũ thì đột ngột, gây thiệt hại lớn cho dân, đặc biệt là 4 bản: Pá Chiến, bản Lâm, bản Pá Lang, bản Chiến, gây hậu quả đến sản xuất, thiệt hại hơn 10 ha ruộng lúa, hoa màu. Ngoài ra, thủy điện xả lũ còn làm sạt lở nhiều đoạn đường trong bản, trong xã, nghiêng đổ cầu treo, làm trôi nhiều cột nhà của dân đang ngâm ở dưới mương nước. Trường PTTH cơ sở và 1 trường mầm non của xã, một số quán hàng dọc ven đường, cơ sở chăn nuôi của dân cũng bị ngập úng. May mắn không có thiết hại về người.
Hiện tại xã đã phối kết hợp với Thủy điện Nậm Chiến 2 tìm cách khắc phục hậu quả, thống kê diện tích thiệt hại của các hộ dân, tuy nhiên vẫn chưa thống nhất phương án đền bù. Trong đó, UBND xã Chiềng San đề nghị phía nhà máy thủy điện hỗ trợ cho dân 5.000 đồng/m2 ruộng lúa bị vùi lấp.
* Lãnh đạo Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 nói gì?
Ông Bùi Công Sáu, Giám đốc công ty Thủy điện Nậm Chiến 2 cho biết: Ngày 23/6, sau khi được thông báo có lũ to trên đầu nguồn suối Chiến thuộc huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), Nhà máy đã tổ chức báo động và chuẩn bị tất cả các quy trình để xả lũ an toàn cho đập. Phía nhà máy cũng đã kịp thời phối hợp với UBND, Ban Phòng chống lụt bão xã Chiềng San thông báo bằng văn bản và đề nghị thông báo cho dân trong khu vực hạ lưu đập để phòng tránh, không cho người vớt củi ra khỏi lòng sông phía sau đập. Đến 10 giờ ngày 23 tháng 6, bắt đầu xả nhỏ, nhưng về sau lượng nước lũ lên rất nhanh. Theo quan sát tại chỗ, hồ dâng 10 cm/phút, tức là 6 mét/giờ, buộc nhà máy phải nâng xả cửa van lên theo cường lũ.
Ông Sáu giải thích: Đặc điểm hồ Nậm Chiến 2 là không có dung tích phòng lũ, mà lũ về bao nhiêu, xả bấy nhiêu và chỉ giữ nước trong hồ ở cao trình 272 mét để phát điện, làm mực nước dâng bình thường và giữ an toàn cho đập. Nếu lũ về bao nhiêu buộc cửa đập phải nâng cửa van để xả hết. Dung tích hồ này chỉ đạt 1 triệu m3. Nhà máy xả lũ theo quy trình mà đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Sau khi xả lũ, đến 11 giờ 30 phút sáng cùng ngày thì đạt đỉnh lũ, nhà máy mở hết 3 cửa van (Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 có 3 cửa xả lũ-PV), xả qua đập tràn 530m3/s, đạt 30% lượng lũ thiết kế. Sau đó thì lượng nước dần giảm, hồ tích nước ở mức 272 để đủ nước phát điện.
UBND xã Chiềng San đã mời đại diện lãnh đạo Nhà máy cùng xã đến thị sát ảnh hưởng của lũ bão. Xã có ghi biên bản là do nhà máy xả lũ gây ảnh hưởng đến cầu treo Chiềng San và một số hoa màu của bà con. Phía đại diện lãnh đạo nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 nhận trách nhiệm, nếu xả lũ có ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Nhưng đến ngày 24/6, sau khi đại diện lãnh đạo Nhà máy xem xét lại cùng UBND xã Chiềng San thì cho rằng: Thứ nhất, cầu treo Chiềng San đã hỏng trước khi xả lũ, dẫn chứng là UBND xã đã có tờ trình đề nghị UBND huyện Mường La cấp kinh phí sửa chữa trước đó. Thứ hai, hoa màu của bà con bị thiệt hại do xả lũ, nhưng hầu hết số hoa màu đó trồng cấy trên diện tích đất trước đó đã được đền bù (do 3 công ty Thủy điện Nậm Chiến 1, Thủy điện Pá Chiến, công ty CP Phát triển điện Tây Bắc đền bù năm 2010). Hiện tại, số đền bù đã được các công ty thực hiện được 95%. Số kinh phí đền bù còn lại chưa trả dân là do đang xem xét vì công ty gặp khó khăn.
Đến 9 giờ, ngày 25/6, xã lại tiếp tục đề nghị Nhà máy cử cán bộ cùng xã áp giá đền bù cho dân do thiệt hại xả lũ. Phía Nhà máy lần nữa cho rằng chưa thể xác định cụ thể là lỗi do nhà máy xả lũ, cũng chưa biết cái giá nào theo chỉ đạo của huyện Mường La để có phương án đền bù cho dân.
Từ việc bất đồng ý kiến trên giữa UBND xã Chiềng Sàn và lãnh đạo Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 dẫn đến việc đáng tiếc xảy ra. Theo đó, 10 giờ ngày 25/6, một số hộ dân do bức xúc, khoảng 80 người đi xe máy, cầm dao quắm kéo lên mặt đập thủy điện, đuổi cán bộ công nhân viên của Nhà máy đang làm nhiệm vụ xả lũ. Được biết, lúc này cửa van số 2 đang được nâng lên 3 mét, cửa van số 3 lên 1 mét để tiếp tục xả lũ xuống phía hạ lưu. Giữa người dân và công nhân vận hành xả lũ thêm căng thẳng khi Ban lãnh đạo nhà máy thủy điện cầu cứu lực lượng công an huyện Mường La để can thiệp. Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, đại diện Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Sơn La, UBND xã Chiềng San, UBND huyện Mường La sau khi thống nhất giữa các bên, tình hình mới được giải tỏa. Đến 19 giờ ngày 25/6, đập thủy điện Nậm Chiến 2 tiếp tục xả lũ điều tiết nước nhằm đảm bảo an toàn cho đập và tính mạng, tài sản của dân phía hạ lưu đập.
Lãnh đạo Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 đến nay vẫn giữ ý kiến cho rằng: Việc đền bù thế nào, hỗ trợ ra sao, trồng cấy cái gì thì phải nhờ đến cơ quan chức năng giải thích rõ cho dân, để nhà máy tiếp tục vận hành xả lũ vì hiện nay đang là mùa mưa bão, công trình thủy điện không thể không xả lũ. Phía lãnh đạo Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 luôn khẳng định lại nhiều lần rằng, công trình thủy điện Nậm Chiến 2 không có khả năng chống lũ, mà chỉ có khả năng hứng nước để phát điện, duy trì ở mực nước dâng bình thường là 272 mét. Còn nếu nước lũ về bao nhiêu thì Nhà máy sẽ tiếp tục xả bấy nhiêu theo quy luật tự nhiên của dòng nước lũ về. Còn nhà máy có xả to, xả bé như ý kiến của người dân bức xúc là quy luật của thiên nhiên, lũ về bao nhiêu nhà máy xả bấy nhiêu.
Được biết, đợt xả lũ ngày 23/6, thủy điện Nậm Chiến 2 mới xả lũ ở mức 530m3/s, chỉ bằng 30% công suất thiết kế (lưu lượng lũ thiết kế công trình đập thủy điện Nậm Chiến 2 là 1.770m3/s). Như vậy, trong mùa mưa lũ năm nay cũng như những mùa lũ của nhiều năm sau nữa, Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 xả lũ đạt 50 % hay 100% công suất thiết kế thì hậu quả gây thiệt hại cho dân khó lường trước được.
Thủy điện Nậm Chiến 2 cách Nhà máy thủy điện Sơn La khoảng 12 km, đặt tại xã Chiềng San, huyện Mường La. Nhà máy được xây dựng từ năm 2007 và đưa vào vận hành tháng 10/2009, gồm 2 tổ máy thủy lực, công suất 32 kW, cung cấp điện năng trung bình 131,7 triệu KWh/năm. Dung tích hồ chứa khoảng 3,7 triệu m3 nước, mực nước dâng bình thường 272m, tạo ra cho cột nước của nhà máy (trung bình) là 94,5m. Nhà máy thuộc Công ty cổ phần phát triển điện Tây Bắc quản lý, vận hành, khai thác kinh doanh.
Điêu Chính Tới