In bài viết

Sơn La hỗ trợ nông dân bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, ngoài 17 nhà máy chế biến nông sản có công nghệ hiện đại được các doanh nghiệp đầu tư, trên địa bàn Sơn La đang duy trì hoạt động của trên 560 cơ sở chế biến nông sản của các hợp tác xã và hộ dân tham gia lĩnh vực chế biến nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của địa phương.

12/12/2022 10:24
Sơn La hỗ trợ nông dân bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản - Ảnh 1.

Dây chuyền chế biến nhãn của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La - Ảnh: Báo Sơn La

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La, hiện cả tỉnh có trên 82.800 ha trồng cây ăn quả các loại, sản lượng hàng năm đạt hơn 45.000 tấn. Diện tích trồng các loại cây công nghiệp trên 81.100 ha, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất chè, cà phê, mía đường…

Nông nghiệp Sơn La đang từng bước khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn kết doanh nghiệp-hợp tác xã (HTX)-nông dân đã hình thành và được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh khó khăn về nguồn vốn, kinh nghiệm chế biến các sản phẩm nông sản. Để giải quyết những khó khăn trên, ngày 28/7/2021, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1818/QĐ-UBND, quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021. 

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, triển khai Quyết định số 1818 của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương rà soát những cơ sở có đủ điều kiện xây dựng lò sấy, phương tiện bảo quản nông sản. 

Từ đo, từng bước giúp nông dân có phương án bảo quản phù hợp với từng loại nông sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sản phẩm không được tiêu thụ kịp thời. Sau khi kết thúc việc hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 1818 của UBND tỉnh vào cuối năm 2021, qua rà soát, đánh giá, có thể thấy giá trị các sản phẩm nông sản sau khi đã được sấy khô đã được nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Lù Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, thông tin, thực hiện Quyết định 1818/QĐ-UBND của UBND tỉnh, huyện đã hỗ trợ cho 7 hộ gia đình trên địa bàn huyện (với tổng số tiền là 300 triệu đồng), để đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm quả nhãn và nông sản khác. Đây là những mô hình điểm để các hộ nông dân đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản cũng như tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Từ việc phối hợp, nghiên cứu tình hình sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh, trong kế hoạch hàng năm, Trung tâm chọn nghề sơ chế sản phẩm nông nghiệp để tổ chức tập huấn cho nông dân. 

Trung tâm cũng phối hợp với Khoa Nông lâm - Trường Đại học Tây Bắc và Khoa Công nghệ thực phẩm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), phân công giảng viên trực tiếp giảng dạy, đồng thời đề nghị Hội Nông dân tỉnh chỉ định một số HTX làm điểm học tập sơ chế nông sản sau thu hoạch, nhằm củng cố kiến thức cho học viên.

Có thể nói, việc hỗ trợ nông dân tham gia lĩnh vực chế biến nông sản đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, cũng như tạo việc làm và thu nhập ổn định, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

LS