Cùng với chủ trương tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, thực hiện dân chủ ở cơ sở, kết hợp phát triển kinh tế với giải quyết các chính sách xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2007. Đây là sự kiện pháp lý có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh công tác TGPL, làm chuyển biến nhận thức của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể về công tác này. Đẩy mạnh các hoạt động TGPL về cơ sở, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, giữ vững kỷ cương xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền.
Từ khi Luật TGPL ra đời, các chính sách TGPL trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ) đã có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, ghi nhận vai trò thiết thực của hoạt động này trong đời sống xã hội. Hệ thống pháp luật TGPL được hoàn chỉnh, đồng bộ đã tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn, ổn định hệ thống tổ chức TGPL và triển khai hoạt động này có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu giúp đỡ pháp luật của người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hỗ trợ hoạt động tranh tụng để vụ việc được xét xử chính xác, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, từ đó có những tác động tích cực đến đời sống của xã hội, góp phần làm cho vai trò của pháp luật được phát huy, thực sự là công cụ bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cải cách hành chính ở địa phương, cải cách Tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền, tạo lập cơ chế thực hiện các nguyên tắc Hiến định: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm công bằng xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Luật TGPL ra đời đã tạo nên những chuyển biến lớn đối với hoạt động TGPL ở nhiều mặt, đã mở rộng hơn đối tượng phục vụ của hoạt động TGPL, phạm vi, phương thức TGPL được thực hiện trong hầu hết các lĩnh vực pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tuy nhiên, thực tiễn công tác TGPL cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như:
Thứ nhất: Về diện đối tượng TGPL, theo quy định tại Điều 10 Luật TGPL; Điều 2 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật TGPL; Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT -BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của Bộ Tư pháp và Ủy ban dân tộc hướng dẫn thực hiện TGPL đối với người dân tộc thiểu số thì người dân tộc thiểu số được hưởng TGPL phải là người thường xuyên sinh sống (đã đăng ký thường trú, tạm trú có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn) ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, bản có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định của pháp luật. Người không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT -BTP-UBDT nhưng thuộc đối tượng TGPL khác theo quy định của pháp luật.
Vậy có thể hiểu là người dân tộc thiểu số được hưởng TGPL phải là người thường xuyên sinh sống (đã đăng ký thường trú, tạm trú có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn) ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc cũng là người dân tộc thiểu số nhưng nếu họ sinh sống tại những vùng, địa bàn không thuộc diện vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, họ được TGPL nếu như họ là người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa hoặc họ là người có công với cách mạng, hộ nghèo.... Quy định như vậy thực tế trên địa bàn tỉnh Sơn La sẽ có tới 1/2 số đối tượng là người dân tộc thiểu số không được TGPL khi có yêu cầu, mặc dù họ là người dân tộc thiểu số nhưng do họ sinh sống tại các vùng không được xác định là vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, họ cũng không thuộc đối tượng được TGPL khác theo quy định của pháp luật, trong khi đó phần lớn người dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn tỉnh Sơn La lại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, thường là nhóm người cận nghèo, nhận thức pháp luật, xã hội còn hạn chế, thường quen xử sự theo phong tục tập quán (thậm chí có những phong tục lạc hậu, không phù hợp với pháp luật)... dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, dễ bị lợi dụng, lôi kéo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Người dân tộc thiểu số khi đó không biết hoặc không thể tự bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nên khi có vướng mắc pháp luật dễ dẫn đến tình trạng tranh chấp hoặc khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Dự báo trong những năm tới đây, nhu cầu TGPL của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung là rất lớn và TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số được coi là trách nhiệm của nhà nước. Ngay từ khi thành lập hệ thống tổ chức TGPL miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số đã được xác định là một trong những đối tượng thuộc diện được TGPL.
Thứ hai: Số lượng Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm còn quá ít (100 người/1.080.641 người dân). Số lượng Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm (mới chỉ có 03 người) chưa đủ để đảm bảo mỗi lĩnh vực pháp luật đều có Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách đảm nhiệm, trong khi địa phương đang thiếu nguồn cán bộ để tuyển dụng. Đội ngũ cộng tác viên đã được phát triển mở rộng, tuy nhiên chất lượng hoạt động không đồng đều, phần lớn cộng tác viên hoạt động do kiêm nhiệm, chưa thật sự tâm huyết và nhiệt tình với công tác TGPL, mới thực hiện TGPL đối với những vụ việc đơn giản. Số lượng cộng tác viên là luật sư còn quá ít (mới chỉ có 02 luật sư) do đó chưa đáp ứng yêu cầu TGPL tham gia tố tụng, dẫn đến tình trạng quá tải, luật sư là cộng tác viên thực hiện quá nhiều vụ việc, ảnh hưởng đến chất lượng vụ việc TGPL.
Thứ ba: Các dân tộc thiểu số có quy mô dân số khác nhau, có những đặc điểm, đặc thù về trình độ nhận thức, ngôn ngữ, phong tục tập quán, điều kiện sống khác nhau, một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số còn chưa biết tiếng phổ thông, nên nhiều người chưa biết và chưa tiếp cận được với tổ chức TGPL để yêu cầu TGPL khi cần thiết, trong khi số lượng Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trong công tác TGPL thông tin về dịch vụ này chủ yếu bằng tiếng phổ thông, phần lớn chưa biết tiếng dân tộc thiểu số, chưa am hiểu nhiều về phong tục tập quán của đồng bào, điều kiện sống... nên các vụ việc tư vấn, hướng dẫn giải đáp các vướng mắc pháp luật cho người dân tộc thiểu số chưa thật sự có chất lượng, trong khi công tác TGPL cho người dân tộc thiểu số chưa có những giải pháp đặc thù nên số lượng người dân tộc thiểu số cũng như số vụ việc TGPL được thực hiện còn khá khiêm tốn (nhất là các vụ việc đại diện, bào chữa).
Thứ tư:Việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về TGPL cho từng vùng, miền phù hợp với đặc điểm của người dân tộc thiểu số trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí ở địa phương cũng như đặt các Bảng thông tin, Hộp tin về TGPL bằng tiếng dân tộc thiểu số tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa bản... vẫn chưa giúp cho người dân tiếp cận với dịch vụ TGPL chưa được thực hiện do không được cấp kinh phí thực hiện.
Thứ năm: Mức lương, phụ cấp cho cán bộ của Trung tâm, mức bồi dưỡng cho cộng tác viên thực hiện vụ việc tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số là quá thấp, trong khi điều kiện làm việc quá khó khăn, vất vả so với những địa bàn khác, nhưng đến nay vẫn chưa có chế độ chính sách tương xứng để bảo đảm yêu cầu công tác, động viên, khích lệ để cán bộ, viên chức và cộng tác viên yên tâm công tác.
Thứ sáu: Hoạt động của một số Câu lạc bộ TGPL còn mang tính hình thức, việc tổ chức chưa chú trọng nâng cao chất lượng đầu tư cho buổi sinh hoạt, chưa đảm bảo tính hiệu quả lan rộng trong cộng đồng dân cư. Các Câu lạc bộ TGPL đã được thành lập tại tất cả các xã thuộc 05 huyện nghèo (75 Câu lạc bộ), tuy nhiên một số nơi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự thường xuyên quan tâm chỉ đạo hoạt động tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ, chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời. Hơn nữa, do đây là một mô hình hoạt động khá mới mẻ tại cơ sở, các thành viên Câu lạc bộ TGPL tham gia còn kiêm nhiệm nhiều việc, nhiều lĩnh vực công tác, năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật còn hạn chế nên còn lúng túng trong triển khai tổ chức các buổi sinh hoạt, số vụ việc TGPL tại các buổi sinh hoạt còn quá ít so với thực tiễn xảy ra tại địa phương.
Thứ bảy: Mặc dù pháp luật về TGPL đã quy định, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện người dân tộc thiểu số thuộc diện được TGPL và có nhu cầu TGPL, thì hướng dẫn họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ về các thủ tục yêu cầu TGPL, địa chỉ của tổ chức thực hiện TGPL ở địa phương, để được hưởng TGPL, nhưng trong thực tiễn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong thời gian qua cho thấy số lượng các vụ việc TGPL thực hiện cho người dân tộc tại Trung tâm, chủ yếu do người dân chủ động tìm đến Trung tâm đề nghị giúp đỡ khi cần, họ biết và tự tìm đến Trung tâm từ các nguồn thông tin như qua TGPL lưu động, qua tờ gấp pháp luật, qua người quen giới thiệu.
Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác TGPL cho người dân tộc thiểu số nhằm nâng cao dân trí pháp lý, văn hóa pháp luật cho người dân tộc thiểu số. Chúng tôi xin nêu một số giải pháp cụ thể sau đây:
1. Phải tuyển chọn và đào tạo ra một lực lượng Trợ giúp viên pháp lý theo quan điểm mới. Nghĩa là đào tạo ra một lớp Trợ giúp viên giỏi chuyên môn, có nhân cách, đạo đức tốt và có đời sống vật chất đảm bảo ở mức cao so với các ngành nghề khác trong xã hội, để họ chỉ chuyên tâm vào mỗi việc thực hiện TGPL miễn phí các vụ việc sao cho thật tốt, không có ý nghĩ là phải làm công việc gì đó thêm để kiếm tiền, dù ở bất kỳ hình thức nào.
2. Có chế độ chính sách đãi ngộ, thu hút đối với đội ngũ cán bộ, viên chức, cộng tác viên, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ làm công tác TGPL tại vùng đồng bào người dân tộc thiểu số như, phụ cấp, tiền hỗ trợ định mức hàng tháng tính trên số vụ việc TGPL đã thực hiện hoàn thành.
3. Hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, viên chức Trung tâm tham gia học các lớp tiếng dân tộc thiểu số (bắt buộc cán bộ làm công tác TGPL vùng đồng bào dân tộc phải biết nói được 01 thứ tiếng). Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho Trung tâm, hỗ trợ tủ sách pháp luật cho các Câu lạc bộ TGPL, duy trì việc cấp báo pháp luật cho Câu lạc bộ.
4. Quy định cụ thể trong Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành: Người dân tộc thiểu số không phân biệt nơi sinh sống tại các vùng, miền. Khi có yêu cầu đều được TGPL, bởi lẽ trong nhưng năm tới đây một số nhóm đối tượng thuộc diện TGPL như người có công với cách mạng, người tàn tật... sẽ giảm đi. Hoặc đề nghị quy định cụ thể trong Luật, các văn bản hướng dẫn về các (tên, nhóm vụ việc TGPL cụ thể) người dân tộc thiểu số nói chung, không phân biệt nơi sinh sống được TGPL khi có yêu cầu.
5. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cách thức thực hiện TGPL cho người dân tộc thiểu số. Luật TGPL cũng cần cụ thể hóa các quy định về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với tổ chức thực hiện TGPL để huy động các cơ quan, tổ chức này tham gia vào công tác TGPL, bởi trong thực tiễn việc tham gia của các cơ quan, tổ chức này chưa được thường xuyên, liên tục, rộng khắp, chất lượng hiệu quả chưa cao, tính bền vững chưa bảo đảm.
6. Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lí và đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, tăng dần tỷ lệ Trợ giúp viên pháp lý là người dân tộc, người địa phương được học tiếng dân tộc; Thực hiện tốt các chế độ chính sách cho người làm công tác TGPL vùng dân tộc, miền núi; Chỉ đạo việc dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, viên chức đang làm công tác tại Trung tâm và Chi nhánh.
7. Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng làm việc với các đối tượng đặc thù (người dân tộc thiểu số); các Hội nghị tọa đàm khu vực nhằm tạo điều kiện cho những cán bộ, viên chức làm công tác TGPL trong cùng khu vực địa lý có cơ hội trao đổi với nhau về kinh nghiệm thực tiễn trong công tác TGPL cho người dân tộc./.