Những ngày này, cán bộ, công nhân của Hạt quốc lộ 279D, Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng giao thông I Sơn La luôn có mặt trên các tuyến đường được giao quản lý để theo dõi, phát hiện và khắc phục sự cố sạt lở đất, đá gây ách tắc giao thông trên tuyến.
Tại điểm sạt lở trên quốc lộ 279D đoạn Km80+230 thuộc địa phận xã Mường Bú, huyện Mường La, mặc dù thời tiết mưa lất phất, xong cán bộ, công nhân của Hạt quốc lộ 279D vẫn đang nỗ lực tăng ca, dọn đất, đá trên mặt đường.
Theo báo Sơn La, trực tiếp chỉ đạo khắc phục điểm sạt lở trên quốc lộ 279D, anh Bùi Xuân Đường, Hạt trưởng, thông tin: Đây chỉ là 1 trong 7 điểm thường xuyên xảy ra sạt lở nằm trên đoạn tuyến quốc lộ 279D từ thành phố Sơn La vào đến Thủy điện Huội Quảng, huyện Mường La.
Tại Km80+230, quốc lộ 279D, vào 19h10 phút ngày 9/9, một lượng lớn đất đá từ taluy dương đã sạt lở, lấp kín mặt đường, khiến giao thông ách tắc cục bộ.
Ngay sau đó, đơn vị đã có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, qua thực địa, thấy vẫn còn nguy cơ sạt trượt đất đá, nên phải đến 5h30' sáng ngày 10/9, sau khi đánh giá địa chất ổn định, đơn vị huy động 2 máy xúc cỡ lớn tiến hành dọn đất đá, đến 8h30' cùng ngày đã thông xe.
Là đơn vị nhiều nhiều năm tham gia công tác quản lý, bảo dưỡng các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Sơn La, Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng giao thông I Sơn La thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông trên 4 tuyến quốc lộ (4G, 279, 279D, 6B) với tổng chiều dài trên 255 km và 5 tuyến tỉnh lộ (106, 108, 109, 111, 117) với tổng chiều dài trên 258 km.
Ông Trần Công Thìn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng giao thông I Sơn La, thông tin: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên các tuyến đường do công ty quản lý đã bị sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường, cống, rãnh thoát nước với khối lượng đất đá 15.000 m3 . Ngay sau khi xảy ra ách tắc, công ty đã chỉ đạo các hạt quản lý đường bộ nhanh chóng huy động máy móc, công nhân để tiến hành khắc phục, dọn đất đá để thông đường.
Công ty đang bố trí 49 máy xúc và 56 ô tô túc trực tại quốc lộ 4G, 6B, 279, 279D và tỉnh lộ để sẵn sàng dọn đất đá trên các điểm bị sạt lở, vùi lấp. Cùng với đó, Công ty phối hợp chặt chẽ với các Ban chỉ huy PCTT&TKCN của các huyện, thành phố có tuyến đường do Công ty quản lý để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN; phân công chế độ trực 24/24 giờ trong suốt mùa mưa bão, bảo đảm thông suốt, an toàn trên các tuyến đường.
Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và thương mại số 909 (Hà Nội) được giao quản lý và bảo trì hệ thống đường trên địa bàn tỉnh Sơn La với tổng chiều dài 215 km, trong đó 69 km quốc lộ 6C, 114 km đường tỉnh 101 và 32 km đường tỉnh 103, tập trung ở các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, vào hồi 15h41 phút ngày 8/9, tại vị trí Km15+600, tỉnh lộ 101 thuộc địa phận bản Nà Chá, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, đã làm sạt lở taluy dương, với khối lượng khoảng 70.000 m3 , phủ kín toàn bộ nền, mặt đường đoạn tuyến trên.
Theo ông Phạm Thanh Hải, Trưởng Ban điều hành Sơn La, Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại số 909: Để bảo đảm thông đường trong thời gian sớm nhất, công ty đã huy động 5 máy xúc công suất lớn, 4 ô tô vận chuyển loại 20 m3 thi công ngày đêm. Đến 10h ngày 10/9 đã thông đường tại Km15+600, tỉnh lộ 101, sớm hơn 5 ngày so với dự kiến ban đầu.
Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ Nguyễn Thế Phương cho biết: Tỉnh lộ 101 là tuyến đường độc đạo dẫn vào khu vực 6 xã, gồm: Tô Múa, Suối Bàng, Mường Tè, Quang Minh, Song Khủa, Liên Hòa. Việc đơn vị quản lý đường bộ tập trung cao nhân lực, nhanh chóng khắc phục sự cố và thông đường sớm hơn thời gian dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đi lại và cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn của huyện.
Ban Quản lý bảo trì đường bộ thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La được giao quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 29 tuyến đường, với tổng chiều dài trên 1.770 km. Trong đó, 9 tuyến quốc lộ với chiều dài gần 670 km, 20 tuyến đường tỉnh với chiều dài hơn 1.100 km. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên các tuyến đường do đơn vị quản lý đã xảy ra sạt lở ta luy dương, sa bồi mặt đường, cống, rãnh… tại 1.005 vị trí, với khối lượng đất đá sạt lở ước tính hơn 223.475 m3 ; hư hỏng mặt hơn 4.000 m² đường.
Ông Nguyễn Trọng Hải, Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ, cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở trên các tuyến đường, Ban Quản lý bảo trì đường bộ đã cử cán bộ giám sát đến hiện trường xác minh khối lượng thiệt hại; đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu thực hiện phương án bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt. Đến nay, toàn bộ 49 vị trí ở quốc lộ và 55 vị trí tại tỉnh lộ bị ách tắc do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã được thông xe; đơn vị tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý đường tập trung thiết bị, máy móc, nhân lực dọn sụt, sa bồi, nạo vét khơi thông cống rãnh, hoàn trả khôi phục hiện trạng nền, mặt đường; cắm biển báo, rào chắn tại các vị trí sạt lở taluy âm, hư hỏng công trình, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện có tổng chiều dài hơn 18.290 km; trong đó, có gần 901 km quốc lộ, hơn 1.124 km đường tỉnh, 1.838 km đường huyện và gần 5.316 km đường xã, 237 km đường đô thị, trên 309 km đường chuyên dùng; ngoài ra còn có 8.565 km đường bản, thôn xóm và đường trục chính nội đồng. Do đặc thù là tỉnh miền núi, các tuyến giao thông cơ bản là đường độc đạo đi qua khu vực núi cao, vực sâu, địa chất thủy văn phức tạp, thảm thực vật mỏng nên khi mưa lũ xảy ra nguy cơ sụt, trượt taluy nền đường, sa bồi và ngập úng lớn làm cho việc khắc phục thiệt hại, bảo đảm giao thông gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La cho biết, với tinh thần chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” và bảo đảm 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng vật tư, phương tiện và nhân lực ứng cứu, khắc phục nhanh nhất các sự cố cầu, đường do mưa bão gây ra, xử lý kịp thời các điểm sạt lở, ngập úng, tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Lập phương án phân luồng chi tiết trên từng tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, mở thêm đường phá thế độc đạo, để khi xảy ra sạt lở, các địa phương không bị cô lập, bảo đảm thông suốt, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Với kế hoạch, phương án cụ thể của ngành giao thông vận tải, cùng sự vào cuộc tích cực của các đơn vị quản lý đường bộ, hiện nay, giao thông các tuyến đường trên địa bàn tỉnh cơ bản được bảo đảm thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.