In bài viết

Sông Ba một miền ký ức…

Có thể ví đường Trường Sơn Đông cắt qua Ia Pa như cánh cửa chính của một căn nhà được mở. Tôi cảm nhận tâm thế này qua tiếng động cơ của đủ thứ phương tiện đan nhau hối hả. Cánh đồng lúa ngằn ngặt một sắc xanh dưới cái nắng mỏng manh giăng mắc… Nghe trong khứu giác cái mùi rạ rơm nồng ấm, một thoáng bâng khuâng ngỡ mình đang ở đồng bằng…

20/06/2011 15:06

Chủ tịch UBND xã Pờ Tó- Đinh Như nói rằng chỉ từ khoảng năm 1987 trở lại đây thôi, anh đã chứng kiến biết bao thay đổi trong nếp nghĩ của dân tộc mình. Song sự thay đổi có thể ví như hai cuộc cách mạng- ấy là đồng bào dân tộc thiểu số biết làm lúa nước và cây hàng hóa… “Cuộc cách mạng lần thứ nhất” bắt đầu từ khi người Kinh đi kinh tế mới đến vùng đất này.

Nền văn hóa nương rẫy lần đầu tiên giao thoa với nền văn hóa lúa nước đã vỡ ra bao nhiêu là xung đột giữa cái cũ và cái mới… Yàng H’Ri (Thần Lúa) của người Bahnar quen sống trên cạn. Đưa xuống nước thần sẽ chết đuối. Con trâu, con bò là vật hiến tế cho Yàng phải để nó đi chơi. Bắt kéo cày lấm láp cực nhọc, Yàng quở phạt làm con người ốm đau, ai chịu? “Đám thanh niên chúng tôi phải nghĩ cách thuyết phục người già từng bước. Đầu tiên là tập trâu bò kéo cộ, cho xuất hiện từng ít một trước mắt người già. Các cụ quen mắt rồi mới đưa ra tập kéo cày… Chẳng thấy Yàng nào phạt mà chiếc gùi chất nặng lưng người hàng đời được gỡ bỏ, bấy giờ các cụ mới “mặc kệ”… Trồng lúa nước cũng vậy. Tôi nhớ lúc đầu chỉ có 5 hộ làng K’Xom là dám làm thôi. Thấy Yàng H’Ri không những không chết đuối lại sống khỏe hơn, đẻ nhiều hạt lúa hơn, bấy giờ những người bảo thủ mới chịu tin… Từ chỗ chẳng biết gì về cây lúa nước, chất nặng những suy diễn ấu trĩ, bây giờ Pờ Tó đã có 140 ha lúa nước hai vụ, năng suất đạt đến 5 tấn/ha. Những hộ có 2-3 ha lúa nước, mỗi năm thu về trên chục tấn lúa như ông Đinh Hút ở buôn K’Liết A cũng không phải là điều gì khiến người ta phải ngỡ ngàng…”.

Nhưng cây lúa nước chỉ mới giải quyết được cái ăn. Có thể nói “Cuộc cách mạng lần thứ hai” sản xuất cây hàng hóa bắt đầu từ quãng năm 2006, ở những mặt nào đó còn có ý nghĩa lớn hơn là “Cuộc cách mạng lần thứ nhất”. Đã có sự mở đường, lại trong bối cảnh bước sang cơ chế thị trường, cuộc cách mạng lần thứ hai đã mang ý thức tự giác rất rõ… Lần đầu tiên Pờ Tó đã có một nông dân được xếp vào hàng tỷ phú- đó là ông Nam . Làm nông, ngoại trừ nghề trồng tiêu, đứng được vào hàng tỷ phú hiếm lắm… Mía, mì thực sự đã mang lại một diện mạo mới cho đời sống người dân Pờ Tó.

Không nói người Kinh, người Jrai như ông Rơ Ô Khen ở làng K’Xom chỉ với cây mì, mỗi năm cũng thu về hơn trăm triệu đồng… Tất nhiên mía, mì hay lúa nước đều không phải là những cây gậy thần để thay đổi ngay tức khắc một vùng đất vốn quá nhiều gian khó, quá nhiều lực cản. Pờ Tó vẫn còn là một xã khó khăn. Điều tôi muốn nói ở đây là sự thích ứng tự giác với cái mới, sự năng động của người nông dân trong bối cảnh hội nhập và cơ chế thị trường. Đây mới là điều cốt lõi nhất, cơ bản nhất để vươn tới mục tiêu xóa nghèo…

Mà Pờ Tó là xã đứng vào hàng khó khăn nhiều bề nhất Ia Pa trước ngày chia tách huyện…

Hữu ngạn sông Ba trải dài như một bức tranh siêu thực với đề tài độc đạo ấy là cây thuốc lá. Một cái mới nữa lại đến trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và tôi chắc viết về nó cũng là một đề tài hấp dẫn. Song vùng đất bên dòng sông Ba với tôi, cái quyến rũ hơn hết vẫn là trầm tích cái đẹp. Đã có ai đưa nó vào những trang văn?

Sông Ba mùa cạn, quãng sang Chư Mố lạch nước trông như lọn tóc đen còn lại trên suối tóc đã trắng thời gian trầm tư giữa đôi bờ cổ tích. Cánh đồng thuốc lá thiêm thiếp ngủ trong làn sương trắng đục. Núi Mố nhô lên giữa cánh đồng rộng trông tựa quả trứng khổng lồ ai để lệch. Tiếng chiêng văng vẳng trong làn gió sớm. Tôi có cảm giác trận mưa nàng Mố thủa ấy còn nhuốm cảnh sắc cho đến bây giờ…

Huyền thoại kể rằng từ thuở khai thiên lập địa, vùng đất này đã sinh ra một người con gái tài sắc tên là Mố. Xinh đẹp tuyệt trần, bao nhiêu chàng trai tài giỏi, bao nhiêu tù trưởng giàu có đến xin Mố bắt làm chồng nhưng nàng chẳng chịu ai. Mố chỉ say mê luyện voi, bắn nỏ. Rồi nàng kết làm chị em với bốn cô gái cũng ham mê võ nghệ như mình.

Nàng Mố là vị thần sắc đẹp duy nhất của dòng sông Ba. Để tỏ lòng biết ơn nàng đã mang lại niềm kiêu hãnh lớn nhất cho người con gái, trong các lễ cúng, người Chư Mố bao giờ cũng gọi tên nàng trước các vị thần linh. Nếu ai đó lỡ quên thì phải sắm một ghè rượu, một con gà làm lễ tạ…

Thiếu nữ Bahnar trong ngày hội. Ảnh: Đức Thụy

Có phải thế chăng mà từ rất lâu rồi, con gái Chư Mố đã nổi tiếng về vẻ đẹp? Tôi đã từng có một cuộc nói chuyện đầy ngẫu hứng với Ksor Nhiên. Ông tự hào rằng tiếng đồn về con gái Chư Mố đã có từ lâu. Cái nổi bật của người con gái ở đây là làn da trắng. Ai đen thì cũng chỉ qua cái “đen giòn” một chút. Gần với làn da là dáng. Ít có cái vẻ thấp đậm, chắc nịch như nơi khác, con gái Chư Mố đa phần là thanh mảnh. Nhìn, ít ai nghĩ được rằng cái dáng ấy được hoài thai nên từ cuộc sống rẫy nương. Và đôi mắt… Một anh bạn nhiếp ảnh đã từng nói với tôi rằng giữa cô gái đẹp người Kinh với cô gái Chư Mố, sự phân biệt chỉ có thể là đôi mắt- Một đôi mắt sâu thẳm, mơ màng, phảng phất chút hoang dã của núi rừng. Nó chỉ có trong khoảng khắc mà người con gái ngồi bên bến sông, mơ màng theo dòng nước… Hình như vì sắc đẹp mà luật tục ở đây vẫn cho người con gái khá nhiều quyền trong tình yêu… Thường thì con gái phải cưới con trai, nhưng nếu chàng trai mà quá si mê thì nhà gái cũng cho phép chàng ta “cưới ngược”. Ở Chư Mố có tục “đặt cọc”- tức cha mẹ hứa hôn cho con cái từ lúc lọt lòng. Tục thế nhưng nếu lớn lên đôi trẻ không yêu nhau thì họ hàng, gia đình cũng không nỡ ép…

Lan man trò chuyện với người quen lâu ngày gặp lại, nhoáng cái mà đã quá trưa. Bạn tôi bảo muốn chụp hình người đẹp thì ra nhà mồ. Thanh niên các làng đang có mặt ngoài đó...

Một đám cúng nhà mả tôi chưa từng thấy ở đâu. Chư Mố bây giờ đã bỏ tục xưa- nghĩa là không để người chết về hẳn với Atâu mà “giữ lại” cúng giỗ như người Kinh. Các cô gái ai cũng quần “gin” áo phông. Có cô còn trang điểm son phấn. Đang ngơ ngác, một xâu thịt cùng gói xôi đã ấn vào tay tôi. Cang rượu đầu, mặt tôi đã bừng đỏ. Liếc thấy các cô đang chuẩn bị rượu mời, bạn tôi nháy mắt ra dấu hãy về làng. Hóa ra anh đã chuẩn bị “người mẫu” cho tôi và các cô đã về chuẩn bị. “Tiếc quá, có mấy cô thật đẹp thì lại đi học không về. Ở Chư Mố cô nào đẹp cũng đều đi học được cả. Lạ thế…”.

Việc ngỡ nhanh hóa ra phải gần hết ánh ngày. Chụp ảnh thì ít, chờ các em trang điểm thì nhiều. Lại còn phải uống rượu chia tay nữa. “Chắc là phải còn lâu các anh mới về Chư Mố. Một cang rượu phép, hai cang rượu ma, ba cang rượu tiễn”. Đôi mắt bên tôi dịu dàng sâu thẳm. Tôi nắm lấy bàn tay mềm mại. Em vẫn để yên trong tay tôi… Dưới sông chợt vọng lên tiếng gọi đò. Tự dưng tôi muốn níu lại lời em hứa tiễn tôi ra bến… Không phải lát nữa, trong lòng tôi bây giờ đã nghe tiếng sóng…

Ngọc Tấn – Báo Gia Lai