In bài viết

Sống ở ĐBSCL: Ứng xử thế nào với những biến động?

(Chinhphu.vn) - Ứng xử với những biến động của ĐBSCL và tập trung vào mũi nhọn sản xuất nông nghiệp bền vững là vấn đề được nhiều chuyên gia đề xuất để con người và các sinh vật sinh sống an toàn, lâu dài ở vùng đất này.

26/09/2017 16:36
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Sau phiên khai mạc Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã cùng bàn bạc chính sách tại các phiên họp chuyên đề.

Trước đó, tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: Muốn ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững ĐBSCL, phải đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách tiếp cận theo hướng mở trên nền tảng tri thức khoa học công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế.

Cần quy hoạch đúng và trúng

GS. Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về BĐKH cho biết ĐBSCL hiện có rất nhiều quy hoạch, cả cấp vùng và cấp địa phương, về sản xuất, xây dựng, sử dụng đất, chống ngập… Nhưng điểm yếu của các quy hoạch này là không có sự gắn kết đồng bộ với nhau, nên không phát huy được hiệu quả, thậm chí gây những hậu quả ngoài tính toán.

GS. Thục nêu ví dụ điển hình là dự án hệ thống đê bao Ô Môn-Xà No tiêu tốn 300 triệu USD để bảo vệ 43.000 ha lúa: “Chưa có tính toán diện tích lúa này mỗi năm tạo ra lợi nhuận có tương xứng với khoản đầu tư nói trên hay không, nhưng dự án này đẩy ngập sang TP. Cần Thơ”.

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH&ĐT) Vũ Quang Các cho biết, có rất nhiều bản quy hoạch cho ĐBSCL (tới 2.500 quy hoạch), quy hoạch cấp vùng có 22 bản. Quá nhiều quy hoạch nên chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết, cản trở sự phát triển. Nhiều bản quy hoạch chủ quan, duy ý chí, nhiều bản quy hoạch xung đột, chưa quan tâm giải quyết thách thức, rủi ro, nặng về đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, ít quan tâm đến tổ chức, không gian…

Không chỉ thế, "các bản quy hoạch đều mong muốn cho địa phương phát triển nhanh, nhưng định hướng phát triển chưa đúng với thế mạnh, như việc định hướng Tiền Giang đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp, trong khi thế mạnh của địa phương này là nông nghiệp”, ông Các chia sẻ thêm.

Theo TS. Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, quy hoạch đúng và trúng cho toàn vùng ĐBSCL không phải dễ nhưng không phải không làm được. Phải làm sao liên kết được các địa phương, các ngành căn cứ vào thực tế hiện tại và xu thế diễn biến tương lai của cả điều kiện tự nhiên và sự vận động của toàn xã hội.

Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Không can thiệp thô bạo vào thiên nhiên

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh phải xác định rõ thái độ với BĐKH. Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL và TS. Doãn Hà Phong, Ủy viên Ủy ban Công nghệ vũ trụ quốc gia đều khuyến cáo không can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, vì cũng không chống được mà lại rất tốn kém, vì thế con người phải thích ứng.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Quang của cơ quan LHQ tại Việt Nam cho rằng Việt Nam và các nước trên thế giới không chỉ thích ứng mà phải giảm thiểu tác hại của BĐKH để thích ứng tốt hơn. Với quan điểm này, ông Quang cho rằng cần giảm thiểu tác động từ các giải pháp vật liệu, công nghệ tiên tiến trong xây dựng, xử lý rác thải, phát triển đô thị, khu định cư thông minh.

Chuyên gia này cũng đề nghị phải kiểm soát đất đai chặt chẽ, không thể dễ dàng chuyển đổi từ đất rừng ngập mặn sang nuôi tôm. Trong quản trị, phải tính toán tới lợi ích và chi phí, trách nhiệm đi song hành với nhau.

Các doanh nghiệp cũng đồng quan điểm với các chuyên gia. Đại diện một doanh nghiệp thép của Cần Thơ cho biết: “Chúng ta đừng bi quan mà hãy lạc quan, vì ĐBSCL vẫn có trong tay nhiều ưu đãi được coi như món quà trời cho”. Vị này cũng cho rằng: “Muốn phát triển bền vững cho vùng này thì phải xác định rõ kinh tế nông nghiệp là mũi nhọn, trong đó mũi nhọn của nông nghiệp là thủy sản, chứ đừng nên lan man”.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết trong quy hoạch cũng đã xác định phát triển nông nghiệp là mũi nhọn của vùng đất này, còn việc phát triển những ngành khác như công nghiệp hỗ trợ cũng chỉ là để phục vụ cho nông nghiệp.

Thành Chung