In bài viết

'Sóng và máy tính cho em': Lan toả tinh thần sâu sắc trong bình đẳng giáo dục

(Chinhphu.vn) - Chương trình “Sóng và máy tính cho em” vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” tốt đẹp của người Việt Nam, giúp các học sinh nghèo có điều kiện tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng.

14/09/2021 17:51
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi chung tay, góp sức hỗ trợ “Sóng và máy tính” cho hàng triệu học sinh, sinh viên.
Tròn một tuần trước, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ TT&TT xây dựng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để hỗ trợ cho học sinh khó khăn trong việc học trực tuyến. Và chỉ trong vòng chưa đến 5 ngày, bằng sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực của rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tối 12/9, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ GD&ĐT đã tổ chức Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, ông nhiệt liệt ủng hộ Chương trình bởi ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc khi kêu gọi mọi người dân Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc hỗ trợ các em nhỏ nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và với tương lai đất nước.

Ngay tại Lễ phát động, đã có những đóng góp đầu tiên lên tới hơn 1 triệu chiếc máy tính bảng cho các em. "Đây là một chủ trương đúng, mang tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho học sinh nên rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức và người dân đã chung tay hành động”, ông Dương Trung Quốc nhận định.

Ông Dương Trung Quốc nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ phát động: “Sóng và máy tính” là phương thức học tập mới mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội để các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập bình đẳng trong tiếp cận kiến thức. Ba cấu phần chính của “Sóng và máy tính cho em” là có sóng, có internet đến tất cả các hộ gia đình Việt Nam và có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo, cận nghèo.

Chương trình thể hiện tinh thần nhân ái, đề cao giá trị tốt đẹp của người Việt Nam, nhưng đây cũng chính là hành động góp phần đưa chúng ta tiến tới cuộc sống internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm ứng dụng, phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, nhất là phát triển xã hội số. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Chuẩn bị cho thời kỳ “hậu COVID”

Dù đang ở cao trào của cuộc chiến chống dịch nhưng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Chính phủ vẫn phải nghĩ đến việc chuẩn bị cho thời kỳ “hậu COVID” mà chúng ta đang mong đến càng sớm càng tốt.

“Nếu không chuẩn bị thì chúng ra sẽ lâm vào bị động. Tôi có cảm giác Thủ tướng đang có những quyết định "thay đổi phương châm tác chiến" như trong chống giặc năm xưa. Dù rất khó khăn nhưng chúng ta phải quyết đoán trên tinh thần lắng nghe những tư vấn khoa học. Đương nhiên là trách nhiệm cũng rất nặng nề”, ông Dương Trung Quốc chia sẻ.

Riêng với giáo dục, ông Dương Trung Quốc, hiện đang là Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia, cho biết đã nhiều lần đề xuất việc sớm sáng chế ra một thiết bị cá nhân (như máy tính bảng) với giá rẻ nhưng đáp ứng được công năng cho chương trình giáo dục phổ thông để trang bị cho các em học sinh nghèo hay học sinh vùng sâu, vùng xa. Việc này có thể huy động các cơ quan có liên quan và doanh nghiệp có thiện chí.

""Sóng và máy tính cho em" là chương trình tuyệt vời, tôi rất ủng hộ chỉ đạo này của Thủ tướng, các ngành, các doanh nghiệp đã đóng góp đáng khích lệ. Chương trình rất phù hợp ở thời điểm này nhưng về lâu dài, chúng ta không thể cứ quyên góp mãi được. Hằng năm, có hàng vạn cháu bắt đầu đi học. Vả lại, với các học sinh lớp dưới, sử dụng máy tính là thừa, chúng ta nên đầu tư căn cơ vào việc làm ra những thiết bị phù hợp với trình độ học. Từ cấp III, việc sử dụng máy tính mới là bắt buộc, các cấp học dưới chỉ cần thiết bị đơn giản hơn nhiều, vì thế giá thành cũng thấp hơn”, ông Dương Trung Quốc nhận định.

Ông Quốc nói thêm, đầu tư vào các thiết bị này cũng góp phần tiết kiệm được khoản tiền rất lớn khi học sinh có thể sử dụng sách giáo khoa điện tử.

Bước đầu, các em học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang thực hiện giãn cách xã hội và triển khai học trực tuyến tại 8 địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Tháp , Phú Yên, Khánh Hòa, Hậu Giang, Bình Phước) sẽ được hỗ trợ máy tính và miễn phí dung lượng truy cập internet. Chỉ trong 4 ngày qua, các nhà mạng đã hoàn thành lắp đặt 45 trạm phủ sóng/tổng số 283 trạm cần lắp đặt ở những vùng lõm sóng, không có sóng viễn thông.

Nhật Nam