In bài viết

SSI phát triển đồng hành với thị trường chứng khoán

(Chinhphu.vn) - Thị trường chứng khoán (TTCK) có tồn tại phát triển tốt thì công ty chứng khoán (CTCK) mới “sống khoẻ”, do đó, SSI luôn nỗ lực để trở thành mắt xích quan trọng, cùng lớn và song hành lợi ích cùng thị trường. Chúng tôi muốn xây dựng SSI như một đội bóng buộc phải chiến thắng, ai cũng có thể từ “cầu thủ” dự bị thành ngôi sao, cùng nhau đem lại hiệu quả cho cả tập thể.

20/08/2020 18:29

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI  

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI (SSI-HoSE) với Báo Điện tử Chính phủ về quan điểm quản trị công ty và con người để hướng tới sự phát triển bền vững.

Thành lập từ cuối năm 1999, là CTCK tư nhân đầu tiên và nhỏ nhất lúc đó, với số vốn ban đầu chỉ là 6 tỷ đồng,  ông có thể cho biết những yếu tố nào khiến SSI có được thành công như ngày nay?

Ông Nguyễn Duy Hưng: TTCK ra đời với 2 mục tiêu. Thứ nhất là huy động vốn cho nền kinh tế - đây cũng là mục tiêu quan trọng nhất. Thứ hai là tạo thanh khoản, tạo minh bạch để người dân chủ động đầu tư thị trường, mua đi bán lại, đầu tư vào các công ty, gián tiếp sở hữu công ty, phân chia lợi nhuận trên thị trường.

SSI đã ra đời cùng với thị trường và cũng cùng với mục tiêu như thế. Sứ mệnh của SSI là “Kết nối vốn với cơ hội đầu tư”, tìm kiếm cơ hội đầu tư và tìm kiếm vốn cho các dự án, vô hình trung cũng chính là mục tiêu của TTCK. Từ khi thành lập với 13 thành viên, đến nay có hơn 1.000 người, đây vẫn là phương châm công ty luôn hướng tới. Xác định rõ lợi ích của mình với thị trường, nên những năm qua chúng tôi luôn hoạt động theo một tiêu chí xuyên suốt là chung tay xây dựng TTCK lớn mạnh, để qua đó bản thân SSI cũng lớn lên.

Trong rất nhiều những đổi mới của kinh tế đất nước 20 năm qua thì TTCK đóng vai trò rất quan trọng. Từ chỗ thị trường chỉ là một số 0, cho đến như ngày nay đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Nhiều thành tựu nền kinh tế ngày hôm nay đều có bóng dáng của TTCK. Chính bởi thị trường phát triển nhanh như thế, nên với nguyên lý đồng hành, phát triển, gắn bó với TTCK mà SSI đã hướng tới từ những ngày đầu, chúng tôi cũng đã có nền tảng rất vững chắc để phát triển.

Vai trò của SSI đối với nền kinh tế sau 20 năm qua cũng rất rõ nét, luôn đi đầu và rất minh bạch. Có thể nói SSI trong những đơn vị tiêu biểu tham gia xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và lan truyền hình thái này, bởi chúng tôi cũng là đơn vị thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp… Rất nhiều những đóng góp của SSI đều được ghi nhận và được đánh giá mang lại hiệu quả cao, trở thành mắt xích quan trọng của nền kinh tế, của TTCK và xa hơn là với quá trình đổi mới đất nước

SSI đã huy động hàng tỷ USD qua các nhà đầu tư quốc tế, ông có thể chia sẻ những điều đáng nhớ trong các thương vụ này? Những mục tiêu của SSI trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Trong 20 năm làm chứng khoán, tôi ấn tượng nhất giai đoạn năm 2008 - khi TTCK Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai, các quy định pháp lý vẫn chưa hướng tới chuẩn mực quốc tế và hầu như TTCK Việt Nam chưa có tên tuổi trên bản đồ TTCK thế giới. Lúc đó, SSI là một trong những thành viên đại diện cho TTCK Việt Nam sang Nhật Bản và đã mời được 200 nhà đầu tư lớn nhất của Nhật Bản cùng ngồi trong hội trường lắng nghe mình trình bày. Việc 200 nhà đầu tư lớn nhất của Nhật Bản nghe một CTCK của Việt Nam - vốn chưa hề có tên tuổi ở thời điểm đó - giới thiệu về TTCK Việt Nam đó là một ấn tượng sâu sắc với tôi.

Sau này, SSI cũng chủ động khởi xướng lên chuỗi Hội thảo Gateway to Việt Nam - hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư của Việt Nam tới các nhà đầu tư trên thế giới, và đã được SSI tổ chức 4 lần trong các năm 2009, 2010, 2014 và 2017, đều nhận được sự quan tâm của rất nhiều các nhà đầu tư. Hội thảo gần nhất năm 2017 diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chưa có nhiều câu chuyện, nhưng chúng tôi vẫn mời được hàng trăm nhà đầu tư tới Việt Nam. Sau sự kiện, các nhà đầu tư cũng có nhiều phản hồi tích cực, đánh giá cao chương trình. Có thể nói, Gateway to Việt Nam cũng chính là một trong những thành tựu mà SSI đã làm được cho TTCK.

Khi SSI thực hiện thương vụ tư vấn chào bán cổ phần của Công ty cổ phần Vinhomes (VHM-HoSE) với tổng giá trị bán đạt trên 1,349 tỷ USD, đây được xem là thương vụ chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất lịch sử TTCK Đông Nam Á, cũng như là thương vụ tỷ USD đầu tiên của Việt Nam. Điều đó đã mang lại cho chúng tôi sự tự tin lớn, chứng tỏ khả năng của SSI, đồng thời là minh chứng cho nền kinh tế Việt Nam đã đủ hấp dẫn, có tiềm năng để làm những thương vụ hàng đầu khu vực.

Về mục tiêu, SSI đã đặt ra mục tiêu từ những ngày đầu tiên là trở thành CTCK dẫn đầu TTCK Việt Nam. Hiện tại, SSI đã ở vị trí hàng đầu thị trường rồi, thì sẽ phải duy trì vị thế. Để đạt được điều đó, quy mô của SSI, mục tiêu của SSI có lớn lên được hay không sẽ phải phụ thuộc vào TTCK Việt Nam lớn mạnh đến đâu. Bởi như tôi đã chia sẻ ở trên, SSI tồn tại cùng với mục tiêu của TTCK Việt Nam. Vậy nên, ngay cả trong tiềm thức thì chúng tôi luôn phải ưu tiên xây dựng TTCK. Mà muốn xây dựng TTCK thì thị trường phải có người mua người bán, có tổ chức phát hành, có nhà đầu tư… Phải bảo vệ được nhà đầu tư bằng cách cùng nhau tạo ra một thị trường minh bạch. Đấy chính là mục tiêu của SSI, tiếp tục nỗ lực xây dựng TTCK trở thành nơi tìm kiếm cơ hội đầu tư, là nơi giữ tài sản của người dân. Chỉ khi phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, mọi thứ minh bạch hoá thị trường, mọi quyết định dựa trên các thông số, các chỉ tiêu bình đẳng nhau, các chế tài nghiêm minh, nhà đầu tư chân chính được bảo vệ thì TTCK sẽ là nơi đáng để đầu tư nhất.

Một hội thảo Gateway to Vietnam do SSI thu hút, kết nối đông đảo các nhà đầu tư

Đại diện cho một CTCK lớn trên thị trường, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong 20 năm qua?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Có thể nói, 20 năm qua TTCK Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn không ít “lùm xùm”. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải kiểm soát tốt hơn, tăng cường độ minh bạch cho thị trường.

TTCK có thể nói là thị trường của “niềm tin, mua bán tương lai”. Một khi minh bạch đầy đủ, tạo niềm tin, tạo đủ uy tín cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, việc thu hút vốn nền kinh tế trở nên đơn giản hơn nhiều.

Chính phủ nhiệm kỳ vừa rồi đã làm một việc quan trọng là tạo dựng được niềm tin rất lớn tới các nhà đầu tư. Ngay cả các định chế tài chính quốc tế lớn như WB, IMF đều có những nhận xét tích cực về nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khá ảm đạm do dịch COVID-19, không ít thị trường ở nơi khác bị rút vốn, nhưng ở Việt Nam, lượng tiền vào lớn hơn lượng tiền ra, các biến động đều trong tầm kiểm soát.

Các nhà đầu tư tin tưởng vào sự điều hành cũng như ủng hộ quan điểm của Chính phủ hiện nay, đó là Chính phủ  không can thiệp nhiều hoạt động kinh doanh... Chính phủ có xu hướng ngày càng thiên về việc kiến tạo hành lang pháp lý, chính sách, để các thành phần kinh tế chủ động, huy động các nguồn lực đầu tư.

Lãnh đạo Chính phủ đặc biệt kỳ vọng vào sự phát triển của TTCK. Theo ông, làm sao để TTCK Việt Nam sớm nâng hạng, thật sự là nơi giữ tài sản, chứ không chỉ là nơi mua bán kiếm lời?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Chính phủ chủ trương phát triển TTCK là quan điểm hết sức đúng đắn. Về lâu dài, muốn tăng trưởng bền vững thì phải đạt được nền kinh tế hiệu quả, minh bạch, công khai hoá hoạt động của các DN. Ở chiều ngược lại, khi minh bạch gia tăng thì lượng tiền đầu tư vào nhiều sẽ thúc đẩy việc kiểm soát càng phải chặt chẽ hơn.

Thực tế, trong 20 năm qua TTCK có những bước phát triển khá nhanh, nhưng vẫn còn không ít hạn chế so với các thị trường mạnh trong khu vực. Đến nay, thực tiễn đặt ra phải có bước tiến mới đột biến, phải coi nâng hạng là mục tiêu cần phải đạt được sớm. Muốn nâng hạng thị trường cần phải thoả mãn các tiêu chí. Ở đây, thực chất việc Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng chính là yêu cầu toàn hệ thống phải nâng cao chất lượng để đạt các tiêu chí mới tốt hơn. Khi triển khai, cần liệt kê rõ các tiêu chí nào, vướng mắc gì, gắn với trách nhiệm của bộ, ngành để khẩn trương tháo gỡ, hoàn thiện chính sách.

Vừa rồi, nhân dịp kỷ niệm 20 năm TTCK Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo thể hiện quyết tâm rõ ràng. Đây không phải là khẩu hiệu, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống. Theo tôi, khi triển khai đủ quyết liệt, đủ áp lực nâng cao chất lượng hệ thống quản lý nhà nước, thì các yếu tố kỹ thuật chỉnh sửa không khó khăn. Chỉ khi tập trung giải quyết được hết vấn đề các tiêu chí thì thị trường tự động nâng hạng. Ở đây có mối quan hệ biện chứng, khi TTCK nâng hạng rồi định mức tín nhiệm quốc gia Việt Nam tăng lên thì dòng vốn lại chạy vào nhiều hơn, thậm chí ta lại có dòng vốn với giá rẻ.

SSI đang quản lý tài sản cho xấp xỉ 180.000 khách hàng trong nước và quốc tế một cách hiệu quả, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, nhân viên SSI. Vậy kinh nghiệm, sáng kiến về quản trị công ty, đặc biệt là việc đào tạo và “dùng người” trong đơn vị là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Bản thân TTCK không sinh ra của cải, vật chất, mà là hàn thử biểu, định vị lòng tin với nền kinh tế, với các giá trị tài sản trên thị trường. Do đó, theo tôi, đội ngũ tham gia TTCK ngoài buộc phải tinh thông nghiệp vụ, quan trọng hơn là phải có đạo đức nghề nghiệp.

Chúng tôi đã xây dựng SSI như một đội bóng buộc phải chiến thắng, ai cũng có thể từ “cầu thủ” dự bị thành ngôi sao, miễn sao đem lại hiệu quả. Ngược lại, dù giỏi nhưng vi phạm đạo đức nghề nghiệp đều bị thay thế. Mỗi người đều có thể thi thố tài năng, thể hiện kỹ thuật của bản thân, nhưng đội bóng-tập thể là quan trọng nhất. Vì lợi ích của công ty, lợi ích của thị trường là trên hết nên các giá trị đạo đức phải đặt lên hàng đầu thì mới có thể thực hiện được.

Việc bổ nhiệm tại SSI luôn được thực hiện theo quy trình. Nhưng với tôi hiệu quả vẫn quan trọng nhất, nên người giỏi ở SSI có thể thăng tiến rất nhanh nếu chứng minh được năng lực. Đã có người hôm nay chỉ là nhân viên cấp nhỏ nhất, nhưng khi làm việc hiệu quả có thể nhanh chóng lên vị trí cao hơn, trở thành giám đốc các bộ phận quan trọng, chủ chốt, có nhiều đóng góp cho công ty.

Cá nhân tôi nhận thức muốn có một tập thể mạnh, vững vàng thì người đứng đầu phải rõ ràng, nói đi đôi với làm. Dù khó tính trong công việc, nhưng tôi luôn bảo đảm sự công bằng. Khi môi trường tốt để cống hiến, mọi quyền lợi và trách nhiệm cán bộ nhân viên đều rõ ràng trong đánh giá hiệu quả công việc (các KPI), đối xử công bằng thì người lao động sẽ gắn bó. Quan điểm bổ nhiệm lãnh đạo của tôi cũng là theo phẩm chất không phải theo “quan hệ”, bởi tôi luôn tâm niệm phải phát triển SSI trở thành một định chế tồn tại và phát triển lâu dài kể cả khi không còn mình ở đây.

Chính thức thành lập từ tháng 12/1999, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI là một trong những CTCK lâu đời nhất tại Việt Nam. Xuất phát điểm là CTCK tư nhân với số vốn điều lệ khiêm tốn 6 tỷ đồng, đến nay, công ty đã vươn lên vị trí dẫn đầu TTCK Việt Nam với vốn điều lệ lên tới 6.029 tỷ đồng (tính đến tháng 5/2020), tăng tới 1.001 lần so với khi mới thành lập. Tổng tài sản hợp nhất đạt gần 26.000 tỷ đồng (thời điểm cuối quý II/2020).

Nhiều năm liên tiếp SSI dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, quản lý gần 180.000 tài khoản khách hàng. Mức đóng góp thuế của SSI đều tăng dần qua các năm và luôn xếp thứ hạng cao trong nhóm 100 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam, đi đầu trong ngành chứng khoán.

Huy Thắng (thực hiện)