Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhấn mạnh điều này trong cuộc phỏng vấn với Báo Điện tử Chính phủ.
Đánh giá về điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024, bà Hạnh cho rằng, ngành sản xuất tăng trưởng vững chắc cùng chính sách tiền tệ phù hợp đã góp phần vào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam từ đầu năm đến nay, tuy nhiên trong ngắn hạn vẫn cần thận trọng.
Tổng Giám đốc Standard Chartered cho biết, tính đến cuối tháng 11/2024, tín dụng tăng trưởng 11,9% so với đầu năm và 16,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với trung bình giai đoạn 2013 đến nay là 14,4%.
Về thương mại, xuất khẩu tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước trong 11 tháng đầu năm 2024, trong khi nhập khẩu tăng 16,4%; với ngành xuất nhập khẩu hàng điện tử đang tiếp tục phục hồi.
FDI tiếp tục tăng, minh chứng bởi dòng vốn FDI mạnh mẽ. Trong 11 tháng đầu năm 2024, FDI giải ngân tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước trong khi FDI cam kết tăng 1% trong cùng kỳ.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2025, bà Hạnh cho biết, Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7% vào năm 2025, với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm đạt 7,5% so với cùng kỳ năm trước và mức 6,1% trong nửa cuối năm.
"Sự rõ ràng trong chính sách và chính trị ổn định sẽ củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư đối với Việt Nam. Standard Chartered kỳ vọng, các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2025 và những năm tiếp theo, với sự hỗ trợ từ nguồn đầu tư từ nước ngoài", Tổng Giám đốc Standard Chartered bày tỏ.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh cũng đánh giá cao việc Chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy các động lực kinh tế mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nền kinh tế tuần hoàn, đồng thời khuyến nghị, để thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong trung hạn, Việt Nam cần tăng cường các phương án ứng phó với thiên tai, đa dạng hóa nền kinh tế ngoài sản xuất và tìm kiếm thêm nguồn FDI khác ngoài châu Á.
"Đa dạng hóa nguồn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam phát huy tiềm năng và đẩy nhanh phát triển kinh tế vào năm 2025", đại diện Standard Chartered cũng khuyến nghị cần có chính sách tiền tệ phù hợp trên cơ sở sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cán cân thanh toán được thúc đẩy bởi thương mại hàng hóa và FDI; cũng như hiệu suất của khu vực kinh tế đối ngoại.
Thùy Dung