Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thăm hỏi động viên thân nhân có bệnh nhân tử vong. Ảnh: Báo Hòa Bình |
Ông Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế và BVĐK tỉnh tăng cường điều trị tích cực đối với các bệnh còn lại; bố trí y, bác sĩ theo dõi sát sao diễn biến để xử lý kịp thời.
Các cơ quan chức năng thăm hỏi động viên và hỗ trợ ban đầu cho thân nhân các bệnh nhân đã tử vong.
Công an TP. Hòa Bình thực hiện các thủ tục để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc và bố trí lực lượng bảo đảm an toàn trật tự tại khu vực BVĐK tỉnh.
Được biết, Khoa Thận nhân tạo của BVĐK tỉnh Hòa Bình thành lập được 10 năm, mỗi năm điều trị thường xuyên cho trên 100 người bệnh và từ trước đến nay hoạt động tốt, giúp bệnh nhân giảm được chi phí phải xuống tuyến Trung ương để lọc máu chu kỳ. Hiện nay, BV đang xác minh nguyên nhân và khi có kết quả, BV sẽ công bố rộng rãi trên thông tin đại chúng.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Ban Lãnh đạo BVĐK Hòa Bình đã tạm đình chỉ hoạt động của Khoa Thận nhân tạo, niêm phong máy móc, trang thiết bị, thuốc men để phục vụ điều tra. Toàn bộ số bệnh nhân đang điều trị tại Khoa sẽ được bố trí chuyển xuống Hà Nội và BVĐK TP. Hòa Bình.
Bộ trưởng Y tế yêu cầu lập hội đồng chuyên môn
Liên quan đến vụ việc, ngay khi nhận được báo cáo về sự cố nghiêm trọng tại Khoa Thận nhân tạo BVĐK tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu Sở Y tế Hòa Bình khẩn trương chỉ đạo bác sĩ trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia đầu ngành của các BV Trung ương tập trung cứu chữa bệnh nhân đang cấp cứu tại BVĐK tỉnh, giúp bệnh nhân ổn định tâm lý, nhanh chóng bình phục sức khỏe.
Bên cạnh việc thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ các gia đình không may có người thân tử vong, Sở Y tế Hòa Bình cần phối hợp với các đơn vị chức năng thành lập hội đồng chuyên môn theo đúng quy định tại Điều 74 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để xác định nguyên nhân của sự cố; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm) và thông tin cho người dân và báo chí.
Bộ trưởng cũng giao Cục Quản lý khám chữa bệnh làm đầu mối, chỉ đạo các BV tuyến Trung ương cử chuyên gia giỏi nhất về các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, chống độc, miễn dịch và huyết học hỗ trợ tối đa về kỹ thuật cứu chữa cho các bệnh nhân còn lại, hạn chế tối đa tử vong.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị cần chủ động thông tin và phối hợp với Bộ Y tế để giải quyết kịp thời.
Bộ Công an cũng vào cuộc
Tại buổi làm việc với Công an tỉnh Hòa Bình vào chiều 29/5, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đã nghe báo cáo sơ bộ về vụ việc các bệnh nhân tử vong trong quá trình điều trị chạy thận nhân tạo.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn đã yêu cầu, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình chỉ đạo lực lượng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, đơn vị chức năng trong tỉnh tổ chức nắm tình hình.
Đồng thời, Công an tỉnh khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng thu thập tài liệu liên quan, điều tra, làm rõ và ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, đồng thời phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và BV Bạch Mai, BVĐK tỉnh Hòa Bình tiếp tục tích cực cấp cứu các bệnh nhân.
Cùng với đó, phải làm tốt chế độ chính sách với gia đình có người tử vong và trong quá trình tổ chức tang lễ.
Trước đó, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình Phạm Hồng Tuyến cho biết, cơ quan công an đã vào cuộc phối hợp cùng với Sở Y tế, BVĐK tỉnh Hoà Bình để làm rõ nguyên nhân vụ việc. Theo ông Tuyến, cơ quan công an vẫn đang xác minh nên chưa thể đưa ra kết luận gì. Còn về nguyên nhân ban đầu sẽ do cơ quan y tế cung cấp.
Các chuyên gia y tế nói gì về sự cố chạy thận
TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, người cũng đang trực tiếp có mặt tại BVĐK tỉnh Hòa Bình để hội chẩn và cứu chữa bệnh nhân cho biết, đây là sự cố y khoa chưa từng gặp từ trước đến nay. Theo TS. Dũng, những biến chứng xảy ra trong quá trình chạy thận có đến vài chục nguyên nhân, tất cả đều có những triệu chứng lâm sàng khá giống nhau, nhưng chỉ xảy ra trên từng cá thể riêng biệt, vì thế sự việc xảy ra hàng loạt như tại BVĐK tỉnh Hòa Bình là vô cùng hiếm gặp. “Trên y văn thế giới và chuyên ngành thận nhân tạo, có nhiều biến chứng xảy ra, nhưng nó chỉ xảy ra đơn lẻ, ở một số bệnh nhân, chứ không hàng loạt, trầm trọng như lần này”, TS. Dũng cho biết. Chính vì đây là sự cố hy hữu nên, việc đánh giá nguyên nhân theo TS. Dũng là không hề đơn giản. Việc tìm nguyên nhân xảy ra cũng phải làm cấp bách như việc cấp cứu người bệnh. Phải tìm ra được nguyên nhân thì mới rút được kinh nghiệm sâu sắc. “Đây là bài học rất đau xót đối với chúng tôi, những bác sĩ làm về chuyên ngành thận nhân tạo”. Theo ông Dũng, sau sự việc này các BV có đơn vị thận lọc máu cần phải kiểm soát chặt quy trình. Các BV tuyến trên cần chuyển giao kỹ thuật, nâng cao trình độ của các bác sĩ để không xảy ra những trường hợp tương tự. Trên báo Người lao động, GS.TS. Nguyễn Nguyên Khôi, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thận nhân tạo cho hay, từ khi bắt đầu triển khai chạy thận nhân tạo từ năm 1972 đến nay, trường hợp tử vong khi đang chạy thận tại Việt Nam là có, nhưng tử vong tập thể như tại tỉnh Hoà Bình là chưa từng ghi nhận. "Với những trường hợp tử vong thường do trên nền các bệnh cảnh có sẵn, hay gặp nhất là các biến chứng về tim mạch như: Tăng huyết áp, ngừng tim do nhồi máu cơ tim... vì cơ thể không thích nghi ngay được. Chiếm khoảng 5% các ca tử vong khi chạy thận nhân tạo là do biến chứng về tim mạch, sau đó mới đến các rối loạn chuyển hoá". GS Khôi nhận định, nguyên nhân khiến 7 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận có thể do đường dịch có vấn đề. "Để pha dịch đậm đặc, phải sử dụng loại nước đặc biệt, bằng ít nhất 95% nước chưng cất. Nếu nước xử lý không tốt, hoặc chất lượng dịch không bảo đảm sẽ khiến nhiều bệnh nhân gặp biến chứng", GS.TS. Khôi nói. |
Chi Mai (tổng hợp)