In bài viết

Sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả công việc của các cấp chính quyền tỉnh Kiên Giang

(Chinhphu.vn) - Theo ông Võ Minh Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang, trong năm 2023, nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số của tỉnh bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

12/12/2023 16:00
Sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả công việc của các cấp chính quyền tỉnh Kiên Giang- Ảnh 1.

Ông Võ Minh Trung phát biểu tại Ngày chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang - Ảnh: VGP/LS

100% hệ thống thông tin giải quyết TTHC đến cấp xã

Cụ thể, hệ thống phần mềm Văn phòng điện tử đã triển khai đến 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và kết nối, liên thông với Chính phủ thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia đảm bảo việc gửi nhận văn bản điện tử thông suốt 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã. 

Hệ thống đáp ứng các quy trình nghiệp vụ quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, các quy trình quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành, đã tích hợp ký số trên smartphone thông qua SIM PKI của Ban Cơ yếu Chính phủ. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100%.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang đã triển khai đến 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã. Hiện đang cung cấp 1.841 dịch vụ công trực tuyến (trong đó đã cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên toàn trình), hoàn thành tích hợp, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thành kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Minh Trung cũng cho hay, Hệ thống Cổng thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh Kiên Giang (kiengiang.gov.vn) được xây dựng theo mô hình đồng bộ về công nghệ, liên thông về dữ liệu, thông tin, gồm: 01 Cổng chính và 51 Cổng thành phần, trong đó có 22 Cổng TTĐT của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; 15 Cổng TTĐT các huyện, thành phố và Cổng TTĐT các xã, phường, thị trấn; đáp ứng đầy đủ về chức năng, tính năng kỹ thuật, danh mục, thông tin theo quy định của Chính phủ.

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang đã đăng hơn 1.065 tin, bài và hơn 1.500 văn bản phản ánh các hoạt động, sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, thông tin, tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh, bám sát yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023, phản ánh các sự kiện quan trọng, nổi bật phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng Cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp tại địa chỉ: https://hotrodoanhnghiep.kiengiang.gov.vn.

Sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả công việc của các cấp chính quyền

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, đến nay hạ tầng viễn thông được phát triển đồng bộ, dịch vụ viễn thông được phổ cập đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số tỉnh nhà. Mạng viễn thông băng rộng di động và hữu tuyến được phủ đến 100% các xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận với các dịch vụ Internet tăng, đặc biệt các hộ nghèo, cận nghèo dần tiếp cận được thông qua chương trình viễn thông công ích.

Năm 2023, tổng thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh đạt 1,663 triệu, tăng 3% so với 2022.

Tỉnh Kiên Giang đã triển khai hạ tầng Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây; triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (VDXP) để khai các thông tin, dữ liệu chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; triển khai nền tảng Giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và các ứng dụng dùng chung, hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ sự quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, qua đó hình thành và vận hành Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh (IOC).

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Võ Minh Trung cũng thẳng thắn nhìn nhận: công tác CCHC gắn với chuyển đổi số của tỉnh còn những khó khăn, thách thức, như: Năng lực của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức và người dân chưa theo kịp sự thay đổi của yêu cầu đẩy mạnh CCHC gắn với chuyển đổi số. Trình độ dân trí và tâm lý người dân còn e ngại nên việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến còn hạn chế, chưa đạt tỷ lệ theo chỉ đạo của Chính phủ.

"Những hạn chế, khó khăn nêu trên đặt ra thách thức lớn cho tỉnh trong việc đề ra các giải pháp, định hướng trong thời gian tới. Bên cạnh các giải pháp từ phía cơ quan nhà nước, đòi hỏi phải có sự thay đổi cả về tư duy, nhận thức của nười dân, doanh nghiệp", ông Trung nói.

Theo đó, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CCHC gắn với chuyển đổi số, Kiên Giang tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo hiệu quả công việc của các cấp chính quyền; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy CCHC; tập trung triển khai chuyển đổi số trong khối chính quyền, nhất là trong việc cung cấp các dịch vụ công; khuyến khích tổ chức, công dân tham gia nộp hồ sơ trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và hiện đại hóa nền hành chính…;

Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025, thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của Kiên Giang trong nhóm 30 tỉnh, thành phố cả nước.

5 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm

Để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, tỉnh Kiên Giang đề xuất triển khai thực hiện một số giải pháp chuyển đổi số trọng tâm nhằm thúc đẩy CCHC trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số với việc đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức ở từng cá nhân, từng tổ chức; tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về kế hoạch và kết quả thực hiện chuyển đổi số của tỉnh trên báo chí và phương tiện truyền thông; thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện tuyên truyền đến từng hộ gia đình về hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến và hướng dẫn thực hiện thanh toán trực tuyến.

Thứ hai, phát triển Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh và tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) liên quan đến người dân, tập trung vào CSDL hộ tịch, y tế, giáo dục, doanh nghiệp và CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, hoàn thiện nền tảng số để đảm bảo kết nối, tích hợp và chia sẻ, khai thác dữ liệu dùng chung với các bộ ngành Trung ương và địa phương.

Thứ tư, phát triển, hoàn thiện các nền tảng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ năm, phát huy hiệu quả của Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Kiên Giang (IOC), tập trung triển khai ứng dụng Kiengiang-S trên nền tảng di động nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân và ngược lại; nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống Tổng đài 1022.

Lê Sơn