Nguy cơ mắc đồng thời cúm mùa và COVID-19
Theo TS.BS. Vũ Quốc Đạt, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hiện nay, Việt Nam đang lưu hành đồng thời bệnh cúm mùa và bệnh COVID-19. Đây đều là bệnh lý về đường hô hấp do nhiễm virus với các triệu chứng như ho, đau họng, ngạt tắc mũi, đau mỏi người… Những triệu chứng này rất khó phân biệt căn nguyên trong những ngày đầu mắc bệnh.
Trong khi đó, ở khu vực phía bắc, trong đó có Hà Nội đang ở giai đoạn của đỉnh dịch cúm mùa, do đó nguy cơ người dân mắc đồng thời cúm mùa và COVID-19 hoàn toàn có thể xảy ra.
TS.BS. Vũ Quốc Đạt cũng cho biết, trong đại dịch COVID-19 vừa rồi, với việc áp dụng các biện pháp như giãn cách, đeo khẩu trang, vệ sinh tay… chúng ta đã phòng được cả bệnh cúm mùa và bệnh COVID-19.
Sang giai đoạn này, chúng ta đã tiêm vaccine COVID-19 nhưng chưa tiêm vaccine cúm nên dẫn tới miễn dịch với dịch cúm suy giảm, đồng thời các biện pháp như giãn cách, phòng giọt bắn… được áp dụng ít hơn nên số ca mắc cúm mùa tăng cao trong thời gian gần đây. Đây được gọi là khoảng trống về miễn dịch. Để phòng bệnh cúm mùa, chúng ta cần bắt đầu lại với việc tiêm vaccine phòng bệnh.
Hiện nay, có 3 loại virus gây cúm là virus cúm A, B và C, trong đó cúm A có nguy cơ cao nhất vì có khả năng gây thành đại dịch, cúm B và C có bệnh cảnh nhẹ hơn, bệnh nhân có thể tự khỏi hoàn toàn.
"Hiện, có khoảng 191 chủng virus chủng cúm A khác nhau. Các virus này có khả năng tái tổ hợp với nhau tạo thành chủng virus cúm mới. Điều này lý giải tại sao phải tiêm phòng cúm hằng năm cũng như phải có giám sát hằng năm, để biết đó là virus cúm đang lưu hành hay virus cúm mới. Với mỗi virus cúm mới đều có nguy cơ tiến triển trở thành đại dịch", TS.BS. Vũ Quốc Đạt chia sẻ.
Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trong thời gian dài, chúng ta bị nhẫm lần về thời điểm đỉnh dịch của mùa cúm. Theo các báo cáo số liệu giám sát hằng năm về bệnh này, dịch cúm mùa thường xuất hiện ở miền Bắc gây đỉnh dịch vào tháng 7,8, tức là hiện nay chúng ta đang trong đỉnh dịch cúm mùa, chứ không phải đỉnh dịch vào mùa Đông Xuân.
Chính vì vậy, sự xuất hiện dịch cúm mùa thời điểm này rất bình thường. Nếu có bất thường thì đó là bất thường về số ca mắc gia tăng. Tuy nhiên, giai đoạn vừa rồi, chúng ta bắt đầu chuyển sang bình thường mới nên việc áp dụng các biện pháp giãn cách, phòng giọt bắn có giảm, cùng với việc chưa tiêm vaccine phòng cúm, vì vậy số ca mắc cúm mùa gia tăng trong thời điểm này.
Với các phân tích trên, vị chuyên gia này khuyến cáo, người dân nên tiêm phòng vaccine cúm mùa tốt nhất vào tháng 5 hằng năm – đây là thời điểm tốt nhất để có miễn dịch giúp chúng ta vượt qua dịch cúm mùa vào tháng 7, 8. Nếu tiêm phòng vào tháng 11 thì sẽ có miễn dịch giúp chúng ta vượt qua đỉnh phụ của dịch cúm mùa xuất hiện vào mùa Đông Xuân (tức là vào tháng 1, 2 hằng năm). Mặc dù một năm có 2 đỉnh dịch cúm mùa, nhưng chúng ta nên tiêm phòng trước thời điểm đỉnh chính của dịch vào tháng 7, 8.
Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, chu kỳ mắc cúm rất nhanh, chỉ 12 tiếng sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, thời gian ủ bệnh từ 18-72 giờ.
Cúm thông thường sẽ tự khỏi từ 5-7 ngày, có trường hợp kéo dài 2 tuần là khỏi. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp mắc cúm bị biến chứng (chiếm khoảng 15%) như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản…
BSCKII Nguyễn Minh Tiến cũng cho biết, đa số người mắc bệnh cúm tự điều trị tại nhà. Người bệnh cần phải được nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý, uống nhiều nước để niêm mạc đường hô hấp không bị khô, không bị bội nhiễm thêm.
Có thể sử dụng thuốc hạ sốt Ibuprofen thay Acetaminophen khi không hạ sốt, tuy nhiên thời điểm mắc cúm cũng rất dễ mắc kèm bệnh sốt xuất huyết, nếu dùng Ibuprofen thì dễ bị xuất huyết tiêu hóa nên người bệnh cần sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp dùng Acetaminophen không đúng theo chỉ định của bác sĩ, cũng sẽ gây nguy cơ tổn thương ở gan, não, vàng da, vàng mắt, suy gan, bệnh não cấp…
Thúy Hà