In bài viết

Sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự

(Chinhphu.vn) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS), đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ.

08/07/2024 15:14
Sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự- Ảnh 1.

Bộ Tư pháp cho biết, qua hơn 8 năm thực hiện, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác THADS. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung ngay nhằm kịp thời tháo gỡ những "rào cản" từ Nghị định, cụ thể như: (1) Một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn công tác THADS hiện nay; (2) Một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng về trình tự thủ tục dẫn đến cách hiểu và thực hiện chưa thống nhất; (3) Một số nội dung cần quy định bổ sung để nâng cao hiệu quả công tác THADS và đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan.

Theo Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 thì Luật thi hành án dân sự dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông thường sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2026.

Như vậy, từ nay đến khi Luật thi hành án dân sự dự kiến có hiệu lực là 02 năm. Trong thời gian đó, để đáp ứng yêu cầu về việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mang tính cấp thiết trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, kịp thời thể chế hoá một số chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong thi hành án dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định và thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 17/QĐ-TTg, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ là yêu cầu cần thiết hiện nay.

Dự thảo Nghị định gồm 04 điều:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung (quy định việc sửa đổi, bổ sung 16 điều, khoản, điểm).

Điều 2. Bãi bỏ điểm c khoản 2 Điều 24 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

Điều 3. Quy định chuyển tiếp.

Điều 4. Điều khoản thi hành.

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định

Nội dung sửa đổi, bổ sung 16 nội dung liên quan đến 16 Điều gồm: Điều 4, Điều 5, Điều 9, Điều 13, Điều 15, Điều 27, Điều 38; Điều 43, Điều 49, Điều 56, Điều 66, Điều 69, Điều 71, Điều 78, Điều 83; bãi bỏ một điểm tại Điều 24 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung, tập trung vào 03 nhóm vấn đề chính sau:

1. Những quy định có liên quan đến biện pháp bảo đảm (Điều 13 của Nghị định) và cưỡng chế thi hành án (Điều 27 của Nghị định) gồm 6 vấn đề như sau:

(1) Hướng dẫn trình tự thủ tục xử lý tài sản đặc thù là cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập và thực hiện nhiệm vụ được Thủ trướng Chính phủ giao tại Quyết định số 17/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án, quyết định kinh doanh thương mại (Điều 13 của Nghị định);

(2) Hướng dẫn bổ sung thủ tục áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án tương ứng với nghĩa vụ và chi phí thi hành án nhằm hạn chế tình trạng người phải thi hành án tẩu tán tài sản khác, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án dân sự (Điều 13 của Nghị định);

(3) Quy định rõ Chấp hành viên thực hiện lựa chọn tổ chức đấu giá không giới hạn về địa giới hành chính để đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện và phù hợp với pháp luật về đấu giá tài sản (Điều 27 của Nghị định);

(4) Quy định trường hợp người mua được tài sản đấu giá không nộp tiền mua tài sản trong thời hạn quy định thì hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị hủy bỏ hoặc yêu cầu Tòa án hủy bỏ theo pháp luật về công chứng và pháp luật về đấu giá nhằm ràng buộc trách nhiệm của họ và tạo cơ sở để cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục xử lý tài sản theo quy định của pháp luật (Điều 27 của Nghị định);

(5) Sửa đổi quy định về thời hạn tối đa cơ quan thi hành án dân sự phải giao tài sản cho người mua trúng đấu giá nhằm thực hiện thống nhất, hạn chế việc tùy nghi trong áp dụng pháp luật (Điều 27 của Nghị định);

(6) Bổ sung quy định hướng dẫn xử lý phần lãi tiền gửi tiết kiệm của số tiền bán đấu giá tài sản trong trường hợp chưa giao được tài sản theo hướng bảo vệ quyền lợi của người mua trúng đấu giá, người được thi hành án góp phần khắc phục tình trạng không tự nguyện giao tài sản của người phải thi hành án (Điều 27 của Nghị định).

2. Quy định có liên quan đến trình tự, thủ tục chung, gồm 7 vấn đề như sau:

(1) Hướng dẫn rõ hơn về thủ tục chứng kiến thỏa thuận thi hành án của Chấp hành viên theo hướng trong một số trường hợp việc chứng kiến thỏa thuận được thực hiện ngoài trụ sở cơ quan thi hành án dân sự nhằm phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện (Điều 5 của Nghị định);

(2) Quy định bổ sung phương thức xác minh thông tin qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, đất đai và các cơ sở dữ liệu khác trong hoạt động thi hành án dân sự (Điều 9 của Nghị định);

(3) Bổ sung quy định hướng dẫn thông báo về thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng khi đương sự yêu cầu (Điều 12 của Nghị định);

(4) Hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp đương sự thỏa thuận theo khoản 4 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự (Điều 15 của Nghị định);

(5) Bổ sung quy định áp dụng các trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khiếu nại để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại (Điều 38 của Nghị định);

(6) Bổ sung quy định chi phí khi đã tiến hành tổ chức cưỡng chế nhưng việc thi hành án phải đình chỉ là chi phí cần thiết khác do Ngân sách nhà nước trả theo Điều 73 Luật Thi hành án dân sự (Điều 43 của Nghị định);

(7) Bổ sung quy định thanh toán tiền đối với tài sản bảo đảm trong trường hợp bản án đã tuyên nhưng người được thi hành án chưa làm đơn yêu cầu để bảo đảm thực hiện đúng nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (Điều 49 của Nghị định).

3. Các quy định khác, gồm 03 vấn đề và 01 nội dung bãi bỏ như sau:

(1) Bổ sung trường hợp"dịch, bệnh do cơ quan có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật" là trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu theo quy định nhằm phù hợp với thực tiễn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự và thống nhất với các quy định pháp luật liên quan (Điều 4 của Nghị định);

(2) Sửa đổi thẩm quyền quy định mã số, ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ, xếp lương; thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch, chuyển ngạch, miễn nhiệm; nội dung hình thức thi, xét nâng ngạch các ngạch Chấp hành viên, thẩm tra viên và thư ký thi hành án của Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng để phù hợp với khoản 6 Điều 73 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (Điều 56, Điều 66, Điều 69, Điều 71, Điều 78 của Nghị định);

(3) Bổ sung quy định Bộ Tư pháp quyết định việc cấp phát, sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu thi hành án dân sự nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với đặc điểm thời tiết các vùng, miền trên lãnh thổ Việt Nam (Điều 83 của Nghị định);

(4) Bãi bỏ quy định hướng dẫn thẩm quyền của Chấp hành viên khi xác định, phân chia, xử lý tài sản chung của người phải thi hành án tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nước Nước