Bộ Công an cho biết, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47) được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 16/6/2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Sau 04 năm thực hiện Luật số 47, ngày 25/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47 (Luật số 51) tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật số 51 có những quy định nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, đầu tư…, trong đó, đặc biệt là việc luật hóa chính sách thị thực điện tử sau thời gian thí điểm. Tuy nhiên, Luật số 51 có hiệu lực vào thời điểm cả thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19, Việt Nam đang áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm tăng cường phòng chống dịch, do đó, hiệu quả trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của các chính sách còn hạn chế.
Từ ngày 15/03/2022, sau khi Chính phủ khôi phục các chính sách xuất nhập cảnh, cho phép mở cửa du lịch, các hoạt động xuất nhập cảnh đã dần trở lại trạng thái bình thường, lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong năm 2022 tăng gấp 6,6 lần so với năm 2021 nhưng vẫn còn rất thấp so với thời điểm trước dịch, chỉ bằng 32,6% so với năm 2019. Đến nay, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhiều nước đã gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch nhằm phục hồi nền kinh tế, tuy nhiên hậu quả của đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cơ bản trên tất cả các lĩnh vực, nhất là ngành du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, Hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài (EuroCham, AmCham Việt Nam); Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF); Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) có nhiều kiến nghị cần thông thoáng hơn trong chính sách thị thực của Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi du lịch, kinh tế xã hội. Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã nêu nhiệm vụ, giải pháp "tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế". Lãnh đạo Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan: "khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục, thời gian, số lượt nhập cảnh, số ngày lưu trú tại Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch quốc tế"; "tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính liên quan việc cấp thị thực; rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các chính sách về thị thực để tạo thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh" .
Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài… vào Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 là cần thiết.
Với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, dự báo lượng người nước ngoài nhập cảnh sẽ tăng, đặc biệt, số người nhập cảnh bằng thị thực điện tử (không có cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh) sẽ ngày càng nhiều, đòi hỏi công tác quản lý cư trú của người nước ngoài phải được tăng cường hơn nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách thông thoáng về nhập xuất cảnh của Việt Nam để hoạt động vi phạm pháp luật. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, cần thiết bổ sung, sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Từ những vấn đề nêu trên, Bộ Công an thấy việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết.
Chính sách 1: Tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Chính sách 2: Hoàn thiện một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Hoa Hoa