Theo Thông tư số 25/2018/TT-BGTVT, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang bao gồm:
1. Bản chính Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định.
2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu các tài liệu sau: Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công của công trình đường ngang; hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công của công trình đường ngang đã được phê duyệt; bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu phương án tổ chức thi công công trình đường ngang và biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công; bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải dự kiến bỏ cụm từ "bản chính" Đơn đề nghị cấp giấy phép để phù hợp với việc chuyển thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4. Theo đó có thể sử dụng chữ ký số.
Đối với các giấy tờ mục (2), Bộ Giao thông vận tải dự kiến thay cụm từ "bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu" bằng cụm từ "bản sao có xác nhận của tổ chức đề nghị cấp phép" vì theo quy định tại khoản 9 Điều 62 Thông tư 25/2018/TT-BGTVT, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đề nghị cấp phép theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Điểm b, khoản 2 Điều 106 Luật Xây dựng quy định quyền, nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng: "Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng".
Vì vậy, việc yêu cầu hồ sơ, tài liệu là bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu là không cần thiết và có thể gây lãng phí.
Bên cạnh đó, một số tài liệu, hồ sơ sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước theo quy định tại Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT ngày 19/12/2017 của Bộ Thông tin truyền thông, do vậy việc yêu cầu hồ sơ, tài liệu là bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu không còn phù hợp.
Thay đổi trên cũng nhằm tạo điều kiện để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 theo hướng điện tử hóa đơn đề nghị cấp giấy phép, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tiết kiệm được chi phí, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
Cụ thể, theo dự thảo, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang bao gồm:
1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định.
2. Bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức đề nghị cấp giấy phép các tài liệu sau: Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công của công trình đường ngang; hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công của công trình đường ngang đã được phê duyệt; phương án tổ chức thi công công trình đường ngang và biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công."
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn