In bài viết

Sửa đổi quy định về hoạt động in

(Chinhphu.vn) - Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động in.

12/05/2017 16:05

Ảnh minh họa

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết mục đích xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 60 là nhằm tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về thủ tục hành chính cho các cơ sở in, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động in phát triển, đồng thời với việc bảo đảm có cơ chế, biện pháp quản lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo đó dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 12 Nghị định 60 đối với quy định “Cấp giấy phép hoạt động in”: Thực hiện theo Quyết định số 143/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bỏ quy định cấp giấy phép hoạt động in đối với sản phẩm in là mẫu, biểu mẫu giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành và hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá. Quy định bổ sung nộp hồ sơ qua mạng Internet, định lượng 01 bộ hồ sơ; bỏ bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh - trật tự, giấy tờ thể hiện về môi trường (Cơ sở in tự chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật chuyên ngành về an ninh trật tự, môi trường).

Quy định chuyển thành phần hồ sơ là bản sao có công chứng của một số giấy tờ (giấy tờ sở hữu hoặc thuê mua thiết bị in; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng hoặc các loại giấy tờ khác chứng minh về việc được giao đất, thuê đất, thuê mặt bằng, nhà xưởng để thực hiện chế bản, in, gia công sau in) thành khai báo thông tin trong đơn đề nghị cấp phép. Cơ sở in tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc khai báo thông tin trên đơn. Cam kết thực hiện quy định về người đứng đầu. Mục đích giảm chi phí hành chính và thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc giải quyết thủ tục hành chính được thuận lợi và nhanh hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 5 đối với “Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in” và sửa đổi, bổ sung Điểm d Khoản 1 Điều 7 đối với “Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in” là giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Công Thương, Tài Chính, Văn hóa Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành khác có liên quan để thành lập tổ chức liên ngành ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập tổ chức liên ngành ở địa phương về phòng, chống in lậu và các hành vi vi phạm trong hoạt động in, lợi dụng hoạt động in để sản xuất hàng giả.

Việc sửa đổi, bổ sung để nhằm cụ thể hóa nội dung đã quy định tại Nghị định số 60/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 16/2009/TTLT-BTTTT-BCA của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an về phối hợp phòng, chống in lậu.

Bãi bỏ một số quy định

Dự thảo cũng đề xuất bãi bỏ một số quy định. Cụ thể bãi bỏ quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 11 đối với “Điều kiện an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường” là để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính và đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thực hiện quy định về an ninh - trật tự, môi trường, cơ sở in tự hoàn thành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chuyên ngành đó.

Bãi bỏ quy định tại Điều 18; Điểm b Khoản 2 Điều 19 và Điểm a Khoản 2 Điều 20 về việc phải có “Văn bản đồng ý” của cơ quan có thẩm quyền; cơ quan, tổ chức ban hành thẻ, giấy tờ đó; tổ chức cá nhân ban hành tem chống giả mới được nhận in.

Mục đích tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giao dịch đặt và nhận in giữa cơ sở in với khách hàng. Việc quản lý nhà nước sẽ thực hiện thông qua hợp đồng và các giấy tờ liên quan trong quá trình sản xuất in.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương