![]() |
Mở rộng đường lăn của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bắt đầu làm từ 10/4 và kết thúc vào 30/6. |
Liên quan đến việc mở rộng đường lăn của sân bay Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã thống nhất với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về thời gian hạn chế khai thác đường cất-hạ cánh 25L/07R từ ngày 10/5 đến 25/7.
Tuy nhiên, việc này được nhận định sẽ gây ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các hãng hàng không trong mùa cao điểm, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết lịch bay đã phê duyệt nên sẽ không cắt giảm chuyến bay của hãng nào, từ quốc tế đến nội địa.
“Các bên phối hợp điều hành là được, chúng tôi cam kết. Việc ảnh hưởng từ sửa chữa đường lăn là không đáng kể. Đường bay đường dài của VNA cũng không bị ảnh hưởng vì đường lăn bên trái vẫn hoạt động khai thác bình thường”, ông Hùng cho biết.
Không đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh nhận định, việc sửa chữa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lịch bay của các hãng. Tuy nhiên, các bên thực hiện có thể thay đổi phương thức điều hành bay tại sân bay, cho máy bay lên chờ sẵn ở đầu đường băng, phương thức điều hành của Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) phải hết sức tỉ mỉ và trình độ cao. Hiện nay với camera kiểm soát mặt đất có thể tăng lên 35 chuyến/giờ trong điều kiện bình thường, còn nếu đóng cửa đường cất-hạ cánh 25L thì sẽ giảm chỉ còn 30-32 chuyến/giờ.
“Thực tế việc sửa chữa có ảnh hưởng đến các hãng nhưng mức độ không lớn và có thể chấp nhận được. Nếu lùi lại tháng 9 thì tốt cho các hãng nhưng thời gian làm hạ tầng lại ảnh hưởng do mùa mưa, vì vậy tốt nhất làm sớm và tăng năng lực lên”, ông Lại Xuân Thanh nói.
Đại diện Vietjet Air cũng khẳng định hãng bị ảnh hưởng lớn nếu sửa chữa trong thời gian này. Đồng thời, VietJet cũng cho rằng VNA không bị ảnh hưởng nhiều do số lượng tàu bay của hãng không thay đổi trong khi đó số lượng tàu bay của VietJet đã tăng lên gấp đôi so với năm ngoái.
“Mùa hè lại là mùa cao điểm du lịch (tháng 5 đến tháng 8), vé hãng đã bán hết. Theo tính toán, tháng cao điểm tháng 7 là 38 chuyến/giờ, hơn cả dịp Tết nên nếu sửa chữa chỉ đạt 30 chuyến/giờ thì vẫn thiếu. Do vậy, thuận lợi nhất là qua mùa cao điểm, đến giữa tháng 8 sửa là tốt nhất”, đại diện VietJet Air đề xuất.
Làm sớm, xong sớm
Trước yêu cầu cấp thiết phải mở rộng đường lăn của sân bay Tân Sơn Nhất và hài hòa lợi ích của các hãng hàng không cũng như phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Hàng không chủ trì cùng ACV và các hãng hàng không rà soát lại, tính toán cụ thể việc mở rộng, làm thêm đường lăn sân đỗ nhưng tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hãng. Việc triển khai bắt đầu làm từ 10/4 và kết thúc vào 30/6.
“Cục Quản lý chất lượng công trình của Bộ kiểm tra chất lượng, tiến độ thi công. VATM bố trí đủ năng lực người vận hành, quản lý vùng trời, quản lý bay đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các bên cùng nỗ lực, thông cảm và chia sẻ để nhằm mục tiêu phục vụ tốt nhất cho hành khách, vì sự phát triển của hàng không Việt Nam”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Hàng không báo cáo giải pháp nâng công suất của sân bay Nội Bài (Hà Nội) trước 15/4 để giảm bớt sức ép cho trung tâm điều hành bay của sân bay Tân Sơn Nhất
“Các đơn vị phải đưa ra giải pháp nâng công suất điều hành bay. Chúng ta đầu tư nhiều tiền vào trung tâm kiểm soát mới, sân bay mới, đường băng đã được sửa chữa thì phải nâng công suất khai thác, xem xét điều chỉnh các chuyến bay cho phù hợp, đừng dồn nhiều vào giờ cao điểm. Tôi tin khi phối hợp tốt thì không bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng yêu cầu.
Việc nâng cấp, mở rộng sân đỗ của sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) nhằm tạo thêm vệt lăn trên sân đỗ, giảm tải cho khu vực đường lăn Bắc Nam (dưới chân đài chỉ huy cũ). Đồng thời, bố trí thêm được 4 vị trí đỗ tàu bay B777-300ER, 11 vị trí đỗ tàu bay A321-200 và tương đương, nâng khả năng của sân đỗ lên 46 vị trí đỗ tàu bay. |
Phan Trang