UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Ảnh: VGP/Thành Chung |
“Tinh thần đổi mới của dự án luật này là rất lớn”, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, nhấn mạnh vào ý nghĩa của sự thay đổi trong Luật Doanh nghiệp nhằm thể hiện Điều 33 của Hiến pháp mới là: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Tuy nhiên, một số ý kiến của thành viên UBTVQH lo ngại việc quá “mở” cho sản xuất kinh doanh liệu có ảnh hưởng tới việc quản lý của nhà nước không? Có gây thất thu ngân sách hoặc những hệ luỵ về tệ nạn xã hội...?
Đơn cử như quy định mới trong dự thảo luật: Không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là thể hiện rõ nhất của việc mọi người có quyền tự do kinh doanh những nghề pháp luật không cấm.
Ông Nguyễn Văn Giàu và cơ quan thẩm tra dự án luật đồng tình với quy định mới này nhằm giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính, giảm rủi ro, tăng tính an toàn pháp lý và chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong kinh doanh.
Băn khoăn với quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng: “Dự án luật quy định về tự do kinh doanh, nhưng sẽ không để doanh nghiệp, người dân thích làm gì thì làm? Cần phải tính tới khả năng quản lý của Nhà nước và đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội về tiêu thụ sản phẩm”.
Đồng tình với mong muốn của ông Nguyễn Văn Hiện về đảm bảo chức năng quản lý Nhà nước, nhưng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, dự án luật đề cao tự do kinh doanh nhưng quản lý rất chặt chẽ bằng danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không thể “thoải mái mà làm được. Những ngành nghề kinh doanh không làm tổn hại cho đất nước thì có thể làm thoải mái”.
Ông Bùi Quang Vinh nói thêm, quy định giấy đăng ký kinh doanh không ghi nghề kinh doanh. Nhưng khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thì phải ghi với cơ quan quản lý kinh doanh về ngành nghề, để cơ quan quản lý kinh doanh thông báo với cơ quan thuế, tài nguyên môi trường, phòng cháy chữa cháy,… để quản lý sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.
“Bộ máy của ta đủ sức quản lý được hoạt động kinh doanh. Nếu Quốc hội yêu cầu tôi báo cáo Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp và kinh doanh những ngành nghề nào thì tôi đều báo cáo được”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.
Tuy nhiên, để làm được những điều như ông Bùi Quang Vinh nói, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng phải xác định được danh mục cấm đầu tư, kinh doanh, danh mục kinh doanh có điều kiện để doanh nghiệp biết mà tránh.
“Không xác định được danh mục cấm, danh mục kinh doanh có điều kiện thì như làm “vỏ” (xây dựng dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi) mà không có “ruột”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trong khi đó danh mục cấm đầu tư, kinh doanh (quy định trong dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì đang được các bộ, ngành liên quan rà soát ở các luật chuyên ngành, chưa thể ghi vào dự án Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Nếu làm rõ được các danh mục trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Cấp phép cũng dễ, xác định trách nhiệm cũng dễ và (sau này có vi phạm quy định- PV) xử án cũng dễ”.
Chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra một định hướng mạnh mẽ hơn với dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, rằng: “Nếu kinh doanh có điều kiện mà doanh nghiệp vi phạm điều kiện đó thì thu giấy phép kinh doanh theo thời hạn nhất định, chứ xử phạt hành chính thì không ăn thua. Sau này nếu đăng ký lại thì Nhà nước phải xem xét trước mới cho doanh nghiệp làm tiếp”.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, khi Chính phủ trình danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thì phải đưa ra hội nghị đại biểu QH chuyên trách và QH thảo luận, cho ý kiến, để chuẩn bị cho Luật có hiệu lực thực hiện ở nhiệm kỳ QH khoá XIV.
Thành Chung