Ảnh minh họa |
Theo số liệu do Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cung cấp, hiện nay trên toàn quốc có 77.892 cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (BHCNBB) theo quy định pháp luật, trong đó có 43.693 cơ sở đã mua bảo hiểm cháy, nổ (chiếm 56%).
Báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ cho thấy, giai đoạn 2007-2016, doanh thu phí bảo hiểm gốc BHCNBB đạt khoảng 8.900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 14%/năm. Số tiền bồi thường bảo hiểm gốc BHCNBB khoảng 3.500 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 39,3%) đã góp phần giúp các tổ chức, cá nhân không may bị thiệt hại do cháy, nổ kịp thời và chủ động hơn trong việc khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 130/2006/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP cũng gặp một số vướng mắc như: Chưa có quy định về chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ BHCNBB cho hoạt động phòng cháy chữa cháy (PCCC) để đảm bảo phù hợp với quy định; một số quy định còn trùng lắp hoặc cần phải quy định rõ hơn để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện,...do vậy việc xây dựng Nghị định thay thế là rất cần thiết.
Về nội dung của dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Nghị định quy định thêm nguyên tắc tham gia BHCNBB như sau: Bên mua bảo hiểm và DNBH phải triển khai BHCNBB theo đúng điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định pháp luật. Trường hợp bên mua bảo hiểm tham gia bảo hiểm với điều kiện mở rộng hơn thì có thể thỏa thuận với DNBH và đóng thêm phí bảo hiểm.
Đối với kinh phí đóng góp và cơ chế quản lý sử dụng kinh phí đóng góp cho hoạt động PCCC, dự thảo Nghị định quy định mức kinh phí đóng góp là 1% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc BHCNBB của DNBH (hiện nay theo quy định tại Nghị định số 130/2006/NĐ-CP, mức đóng góp là 5%). Với mức kinh phí đóng góp này, mức tăng trưởng dự kiến BHCNBB đạt 14%/năm trong các năm tiếp theo và nội dung sử dụng kinh phí đóng góp từ BHCNBB (báo cáo chi tiết tại phần sau), số tiền đóng góp này sẽ vẫn đảm bảo duy trì việc hỗ trợ cho hoạt động PCCC, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho các DNBH khi triển khai thực hiện BHCNBB.
Nội dung sử dụng kinh phí gồm: Hỗ trợ đầu tư trang bị phương tiện PCCC của lực lượng cảnh sát PCCC (40%); công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và BHCNBB (30%); hỗ trợ giám định, kiểm tra an toàn về PCCC và BHCNBB (20%); khen thưởng thành tích cho các tổ chức, cá nhân trong công tác PCCC (10%).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh