In bài viết

Sửa quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước

(Chinhphu.vn) - Bộ Kế hoạch và đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

30/12/2022 10:00
Sửa quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước - Ảnh 1.

Tạo thuận lợi cho DNNN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp kịp thời đưa ra các quyết định phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hoạt động.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua gần 04 năm triển khai, Nghị định số 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đã bộc lộ một số nội dung còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, tập trung vào một số vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, cụ thể như sau:

Việc thành lập, tổ chức hoạt động và giải thể các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (liên quan đến tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc) còn kéo dài do trình tự, thủ tục phức tạp, phát sinh nhiều thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Việc đầu tư bổ sung vốn của công ty mẹ 100% vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào công ty con, công ty liên kết trong trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật còn phức tạp. Thủ tướng Chính phủ sẽ phải xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn của công ty mẹ vào công ty con, công ty liên kết. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn, doanh nghiệp sẽ thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan về đầu tư, xây dựng để được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Chưa có căn cứ xác định nhóm dự án, thẩm quyền quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty đối với các lĩnh vực chưa được phân nhóm trong Luật Đầu tư công (đầu tư tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản) mặc dù dự án có tổng mức đầu tư dưới mức dự án nhóm B theo quy định tại Luật Đầu tư công (2.300 tỷ đồng).

Chưa có sự thống nhất trong quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc thẩm định, chấp thuận khoản vay nước ngoài theo phương thức doanh nghiệp tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ của doanh nghiệp nhà nước tại Luật số 69/2014/QH13 và Nghị định số 10/2019/NĐ-CP.

Thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu giữa Luật số 69/2014/QH13, Nghị định số 10/2019/NĐ-CP và một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành (Luật Tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp) chưa thực sự thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai.

Do đó, việc rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những vướng mắc, hạn chế của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP như đã phân tích nêu trên; đồng thời, đảm bảo các quy định phù hợp với thực tiễn và nâng cao hiệu quả thực thi.

Dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm mục đích tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp kịp thời đưa ra các quyết định phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hoạt động. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định

So với nội dung quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP có một số nội dung mới như sau:

1. Về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập

Trong giai đoạn vừa qua, để đảm bảo mục tiêu thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về đổi mới, sắp xếp, phát triển DNNN; quản lý, sử dụng vốn nhà nước nhằm tạo khung khổ pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh và đáp ứng mục tiêu giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu; nâng cao trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các DNNN.

Trong quá trình hoạt động, một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty (như PVN, VNPT, EVN…) có nhu cầu thành lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc như chi nhánh, văn phòng đại diện để thuận lợi trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo quy định tại Nghị định 10/2019/NĐ-CP, các Tập đoàn, Tổng công ty phải báo cáo xin chủ trương chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan. Quy trình này tốn nhiều thời gian, không tạo được tính chủ động cho doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí về nguồn lực (có trường hợp việc thành lập kéo dài gần 02 năm). Do đó, để trao quyền và tạo tính chủ động thực sự cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các Tập đoàn, Tổng công ty quy mô lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp nên được phân cấp triệt để nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp.

2. Về việc quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đầu tư bổ sung vốn vào công ty con, công ty liên kết

Theo quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định hai lần: lần thứ nhất là chủ trương đầu tư bổ sung vốn của Công ty mẹ vào công ty con, công ty liên kết (theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước), lần thứ hai là sau khi doanh nghiệp được đầu tư bổ sung vốn, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư (theo quy định của pháp luật về đầu tư) khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Thực tế cho thấy quy trình này thường gây mất nhiều thời gian, không tạo được tính chủ động cho doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí về nguồn lực, tuột mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật số 69/2014/QH13 không quy định Thủ tướng Chính phủ phải xem xét, quyết định việc đầu tư, bổ sung vốn của Công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết, thẩm quyền phê duyệt vấn đề này thuộc cơ quan đại diện chủ sở hữu. Trên cơ sở đó, để nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, dự thảo Nghị định quy định sửa đổi khoản 8 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP theo hướng giao cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn hoặc không tiếp tục đầu tư vốn bổ sung vào công ty con, công ty liên kết. Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định sau khi được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương. Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Lan Phương