![]() |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy Ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội. Ảnh: VGP |
Điểm sáng của văn hóa
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những điểm sáng trong lĩnh vực văn hóa trong năm 2021, một năm nhiều biến động do dịch bệnh, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa- Giáo dục Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết điểm sáng trong lĩnh vực văn hóa trong năm qua chính là nhận thức của các cấp ngành và nhân dân đã ngày càng đầy đủ, rõ ràng hơn về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Biểu hiện cụ thể của nhận thức này xuất phát từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII coi xây dựng và phát triển văn hóa, con người là một trong những khâu đột phá trong xây dựng đất nước trong những năm sắp tới.
Điểm sáng thứ hai là Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những thông điệp rất quan trọng trong phát triển văn hóa. Đây được coi là “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, để từ đó các văn nghệ sĩ, những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa có những ý kiến tâm huyết và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng để phát triển văn hóa, huy động được sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự phát triển văn hóa. Sự kiện này đã đáp ứng được những kỳ vọng của những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và tạo sự lan tỏa rất lớn.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1946, Bác Hồ đã phát biểu và nhấn mạnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đến Hội nghị lần này, thế hệ chúng ta lại tiếp tục nhấn mạnh “văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Trong năm 2021, văn hóa một lần nữa chứng minh sức mạnh của mình trong việc lan tỏa sức mạnh các giá trị văn hóa truyền thống để tạo ra sự đoàn kết, tinh thần yêu nước chia sẻ, nghĩa tình để giúp người dân vượt qua đại dịch bằng việc củng cố tinh thần cho người dân thông qua những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Bên cạnh đó, theo ông Bùi Hoài Sơn, công tác quản lý văn hóa cũng dần đi vào nề nếp khi Bộ VHTT&DL đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử cho những người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Từ đó định hướng cho hoạt động của các văn nghệ sĩ.
Một điểm sáng nữa trong năm qua của lĩnh vực văn hóa là Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.
Tất cả những sự kiện này cho thấy nhận thức và quyết tâm của Việt Nam đối với phát triển văn hóa là rất lớn. Từ đó lĩnh vực văn hóa sẽ được quan tâm nhiều hơn và sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Để sân khấu luôn sáng đèn
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, một trong những vấn đề được nêu trong các nghị quyết của Đảng, những ý kiến được đưa ra thảo luận ở trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc và những nội dung được nêu trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 chính là việc đầu tư nguồn lực cho văn hóa chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, chúng ta cần phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc hơn để văn hóa thực sự vừa là mục tiêu vừa là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng việc đầu tư vào các nguồn lực cho phát triển văn hóa cần tập trung vào 3 nội dung quan trọng.
Thứ nhất là nguồn lực về tài chính, cần thực hiện mục tiêu đầu tư cho văn hóa, phấn đấu mức đầu tư tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm. Đầu tư tài chính cho văn hóa thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với văn hóa, đồng thời tạo điều kiện cho văn hóa phát triển.
Thứ hai là cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực về cơ sở vật chất để chúng ta có được những nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện… hay các thiết chế văn hóa khác xứng tầm với thời đại Hồ Chí Minh. Thiết chế văn hóa không chỉ là “câu chuyện”, là hình thức mà nó còn là điều kiện để cho chúng ta tổ chức những sự kiện lớn, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật xứng đáng với thời đại Hồ Chí Minh.
Nguồn lực quan trọng nhất theo ông Bùi Hoài Sơn là việc đầu tư nhân lực của ngành văn hóa, để có được đội ngũ nhân lực cho ngành văn hóa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của phát triển văn hóa trong giai đoạn tới. Vì vậy các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ văn hóa, từ đội ngũ lãnh đạo văn hóa đến các văn nghệ sĩ, những người sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa…
PGS.TS Bùi Hoài Sơn kỳ vọng những thông điệp quan trọng của Tổng Bí thư trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ được cụ thể hóa bằng những chương trình, đề án, kế hoạch của các cấp, các ngành và các địa phương cho phát triển văn hóa.
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 được ban hành thì những kế hoạch hành động rất cụ thể trong chiến lược này sẽ được thực hiện. Đồng thời khắc phục được những điểm yếu của lĩnh vực văn hóa trong năm vừa qua, trong đó sự xuống cấp đạo đức trong xã hội sẽ dần được khắc phục nhờ việc chúng ta ban hành các văn bản quản lý nhà nước thông qua nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, áp lực về dư luận xã hội tạo điều kiện cho cái tốt lấn át cái xấu. Trong điều kiện thích ứng an toàn, bình thường mới các sân khấu sẽ được sáng đèn, các sự kiện văn hóa nghệ thuật sẽ được tổ chức trở lại.
Thiện Tâm