Ông Trần Hoài Hữu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Gia Nhiên (Trảng Bom, Đồng Nai), chuyên sản xuất, kinh doanh dòng sản phẩm mô hình thuyền buồm thủ công cho biết sản phẩm nội thất trang trí đặc thù nên rất khó phục hồi sức mua trong ngắn hạn. Vì thế, việc khách hàng truyền thống quay lại đặt hàng ở thời điểm này cho thấy thị trường châu Âu đang dần phục hồi. "Chúng tôi vừa xuất 2 container đi châu Âu. Đây là đơn hàng từ nhà mua sỉ rồi bán lại trên kênh phân phối của họ".
Niềm tin thị trường phục hồi đang rõ hơn khi các kênh thương mại điện tử như Amazon, Alibaba cũng mang lại những đơn hàng đầu tiên của năm nay. "Dù chỉ vài đơn hàng lẻ nhưng đây là tín hiệu vui của thị trường, cho thấy người tiêu dùng châu Âu bắt đầu chi tiêu trở lại cho những sản phẩm cao cấp", ông Trần Hoài Hữu chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may phía nam cũng có những đơn hàng mới trong 2 tháng đầu năm.
Ông Nguyễn Thành Tiệp, Giám đốc Kinh doanh Công ty Liên doanh Dệt nhuộm Việt Hồng (KCN Việt Hương 2, Bình Dương) cho biết đầu năm nay, thị trường Hàn Quốc tăng trưởng rõ nhất, tỉ trọng đơn hàng từ 20% tăng lên 26% trong tháng 2 so với cơ cấu các thị trường xuất khẩu chính của Việt Hồng.
Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ trong quý IV/2022 giảm đến 40% đơn hàng nhưng 2 tháng đầu năm 2023 bắt đầu tăng trở lại.
"Các nhãn hàng lớn có nhà máy làm FOB tại Việt Nam đã chuyển kế hoạch sản xuất của quý II cho chúng tôi chuẩn bị nguồn vải. Trong khi phía đối tác tại Hoa Kỳ cũng phản hồi sức mua đang dần tốt hơn", ông Nguyễn Thành Tiệp nói và dự báo đơn hàng sẽ ổn định từ quý III năm nay.
Cùng với việc các thị trường chính là EU và Hoa Kỳ có tín hiệu phục hồi, các doanh nghiệp trong nước cũng đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Với ngành gỗ, ngay trong quý I năm nay có 2 hội chợ quốc tế tổ chức tại TPHCM.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biến cuối tháng 2, Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TPHCM (HawaExpo 2023) đã đón hơn 2.000 lượt nhà mua quốc tế tiếp cận các doanh nghiệp tại sự kiện. "Phản hồi từ các doanh nghiệp cho thấy rất nhiều khách mua hàng yêu cầu báo giá, trong đó có gần 300 khách mua từ thị trường Hoa Kỳ lần đầu tham gia hoạt động xúc tiến ngành gỗ tại Việt Nam. Tỉ lệ khách mua từ thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm phần nhỏ nhưng đúng với tiêu chí của chúng tôi là xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hoá thị trường cho ngành chế biến gỗ thay vì tập trung vào một vài thị trường trọng điểm như hiện nay", ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.
Ngay sau hội chợ, Hawa đã tổ chức cho các nhà mua hàng quốc tế tham quan 6 nhà máy ở khu vực phía nam theo các chuyên đề: Tủ bếp, hàng indoor và hàng outdoor. Đáng nói là lần này có cả đại diện sàn thương mại điện tử từ Hoa Kỳ, Canada tìm kiếm nhà cung ứng, cho thấy triển vọng xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ qua kênh này rộng mở. Thậm chí một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Gia Nhiên xác định đẩy mạnh quảng bá trên thương mại điện tử và kỳ vọng có thêm khách hàng mới từ kênh này.
Tương tự như đồ gỗ, dệt may cũng đã có chương trình xúc tiến thương mại đầu tiên của năm 2023 khi Triển lãm quốc tế Denimsandjeans về chuỗi cung ứng denim và đồ thể thao lần thứ 5 vừa khai mạc ngày 1/3 tại TPHCM.
Ngay trong ngày khai mạc, gian hàng của Công ty Liên doanh Dệt nhuộm Việt Hồng đón tiếp nhiều nhà mua hàng quốc tế tham quan, tìm nguồn cung ứng vải denim cho kế hoạch di chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc.
"Một số doanh nghiệp có nhà máy sản xuất FOB tại Trung Quốc chia sẻ chuẩn bị dời nhà máy và đang so sánh điểm đến giữa Việt Nam và Bangladesh. Tôi cho rằng, chúng ta có nhiều lợi thế, môi trường đầu tư ổn định, lực lượng lao động có tay nghề, nguyên phụ liệu đáp ứng các tiêu chuẩn theo hướng sản xuất bễn vững… Vấn đề còn lại là giá thành sản xuất chưa tạo được lợi thế cạnh tranh so với Bangladesh". Ông Nguyễn Thành Tiệp thông tin và cho biết nếu Việt Nam đón được sự dịch chuyển của các nhãn hàng thì hưởng lợi không chỉ là các doanh nghiệp may FOB mà kéo theo cả chuỗi cung ứng dệt may trong nước.
Sau Triển lãm quốc tế Denimsandjeans, ông Nguyễn Thành Tiệp cho biết 90% khách đến với gian hàng là các đối tác truyền thống, họ tìm hiểu giải pháp mới, sản phẩm mới. Điều này cho thấy khi nhãn hàng ngày càng yêu cầu khắt khe về sản xuất bền vững thì các doanh nghiệp sản xuất FOB trong nước sẽ phải chuyển đổi công nghệ, tìm nguồn cung vải, phụ liệu theo tiêu chuẩn của nhãn hàng. Do vậy, Việt Hồng giới thiệu 2 dòng sản phẩm mới là vải denim từ tinh chất bã cà phê và vải cotton tái chế tại Triển lãm quốc tế Denimsandjeans năm 2023.
Còn Công ty TNHH Dệt Tường Long (KCN Sóng Thần 2, Bình Dương) cho biết sẽ đầu tư toàn bộ một nhà máy mới với công nghệ sản xuất giảm sử dụng tài nguyên như giảm lượng khí thải, tiết kiệm điện năng, giảm sự lãng phí nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất mỗi mét vải sẽ giảm đến 30% lượng nước sử dụng…
"Trong năm 2024, chúng tôi sẽ đưa nhà máy mới vào hoạt động, nâng công suất lên gấp đôi hiện tại, tương đương 2,4 triệu m vải mỗi tháng, hoàn toàn đáp ứng được nguồn cung vải theo tiêu chuẩn của các nhãn hàng lớn trên thế giới khi thị trường phục hồi", ông Trần Anh Tuấn, phụ trách R&D Công ty TNHH Dệt Tường Long chia sẻ và cho biết thêm, doanh nghiệp đang cung ứng vải denim cho các thương hiệu thời trang Expess Jeans, Rock Devil, American Eagle…
Để giữ được vị trí trong chuỗi cung ứng của các nhãn hàng như vậy, doanh nghiệp liên tục cải tiến công nghệ, thậm chí chấp nhận suất đầu tư rất lớn để đón đầu xu hướng phát triển của các nhãn hàng.
Băng Tâm