NSƯT, nhà biên kịch Hồng Ngát |
NSƯT, nhà biên kịch Hồng Ngát đề xuất chọn Điện ảnh là mũi nhọn đột phá trong công nghiệp văn hóa để bảo tồn giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Nhà nước rất quan tâm nhưng…
Điện ảnh Việt Nam đang lép vế ngay trên sân nhà. Có nhiều nhận xét cho rằng những người Việt trẻ tuổi đang cư xử như người Mỹ và ăn mặc như người Hàn. Bà có nghĩ rằng cùng với sự xâm lấn về điện ảnh, văn hóa ngoại nhập cũng đang áp đảo văn hóa Việt, ít nhất là trong điện ảnh?
NSƯT Hồng Ngát: Đây cũng là câu hỏi mà những người làm phim chúng tôi rất trăn trở. Nhà nước cũng đầu tư nhiều tiền cho việc tuyên truyền, bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống qua văn hóa, nghệ thuật nói chung, trong đó có điện ảnh.
Nhà nước cho tiền làm phim ảnh, kịch, cải lương, in sách, cho tiền để tặng giải thưởng hàng năm để khuyến khích sáng tạo văn học nghệ thuật, cho tiền đi thực tế sáng tác, đầu tư cho đi viết thông qua các trại viết văn ở khắp mọi miền cơ sở, doanh nghiệp, đầu tư cho đi tiếp xúc giao lưu văn hóa qua các hội thảo, triển lãm sự kiện nghệ thuật ở nước ngoài.
Mới đây thôi, Đảng vừa ban hành Nghị quyết 33/NQ-TƯ về văn hóa. Chính phủ cũng ban hành Chương trình hành động để triển khai Nghị quyết 33, trong đó đề cập đến nội dung đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa.
Câu hỏi đặt ra là tại sao sự quan tâm đầu tư cả về vật chất và chính sách lớn như vậy nhưng hiệu quả vẫn không như chúng ta mong đợi. Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đã tận dụng sự quan tâm ấy chưa đúng cách.
Điện ảnh Việt Nam bao năm nay vẫn đầu tư, đào tạo như thời bao cấp. Từ cơ sở vật chất cũ kỹ nghèo nàn cho tới giáo trình, giáo án hàng chục năm nay vẫn không có thay đổi thực sự, vẫn là những bộ giáo khoa thư của nước Nga.
Chúng ta chưa từng cử hàng trăm học sinh ra nước ngoài học về đạo diễn, diễn xuất làm phim như các nước bạn mà chỉ lẻ tẻ vài em đi theo diện học bổng, mà diện học bổng thì cũng khó mà đến tay những người đam mê thực sự, vì nó quá ít và không hề được công bố rộng rãi. Nó chưa thực sự trở thành 1 trào lưu mạnh mẽ, một quyết sách của Chính phủ.
Còn lại là một số cá nhân, gia đình có điều kiện đầu tư cho con em họ. Song con số này cũng không nhiều. Về nước các em cũng không có nhiều đất diễn khi những bộ phim lớn được đầu tư của Nhà nước thường không tới lượt các em. Ở Việt Nam, tuyển đạo diễn vẫn là kiểm tra môn văn, trong khi ở Mỹ họ kiểm tra môn toán, trong khi cần cái đầu anh khoa học để bố cục tác phẩm, còn văn chương chỉ cần lòng yêu nghệ thuật.
Điện ảnh không thiếu sự quan tâm về chất và lượng, nhưng tại sao phim ảnh Việt Nam vẫn xa cách với thế hệ trẻ, với chính người Việt, thưa bà?
NSƯT Hồng Ngát: Ngân sách Nhà nước dành cho các phim tuyên truyền lịch sử, văn hóa không hề ít. Tuy nhiên phim Nhà nước đặt hàng vì... chỉ sợ con em chúng ta quên mất lịch sử, quên mất cuộc chiến tranh vệ quốc, quên mất quá khứ cho nên đặt hàng chỉ trong lĩnh vực lãnh tụ và chiến tranh. Trong khi cuộc sống hiện đại có rất nhiều vấn đề từ văn hóa ứng xử trong xã hội, công sở, gia đình thì lại chỉ được đầu tư rất ít.
Chẳng hạn như bộ phim “Những đứa con của làng” nói về cuộc sống hiện tại trong làng xã nông thôn Việt hôm nay chỉ được đầu tư 6 tỷ đồng. Những bộ phim lãnh tụ khác thì được ngân sách rót đến hàng chục tỉ đồng. Chẳng hạn phim về chiến dịch Điện Biên phủ làm đi làm lại 5-6 lần, phim nào cũng dân công, đào hầm, đánh đồi Him Lam, đánh đồi A1… Phim lịch sử nào cũng na ná nhau với những mốc ấy, hình ảnh ấy…
Tại rạp Kim Đồng (Hà Nội), hai phim “Đam mê” và “Sống cùng lịch sử” được ưu ái chiếu trong vòng 2 tuần. Đây là những bộ phim Nhà nước đầu tư từ 10-20 tỷ đồng. Nhưng trong 2 tuần nằm trên lịch chiếu của rạp Kim Đồng, đáng buồn là cả hai bộ phim không bán nổi một vé cho khán giả.
Diễn xuất của các diễn viên trong phim "Những đứa con của làng" đều để lại ấn tượng đẹp trong lòng người xem.
|
Gìn giữ văn hóa từ những điều nhỏ nhất, đời nhất
Vậy theo bà, phim Việt Nam nên như thế nào để hoàn thành sứ mệnh giữ nếp nhà, gia giáo xã hội?
NSƯT Hồng Ngát: Trong khi những bộ phim hàng chục tỉ ế ngoài rạp thì thế hệ trẻ của chúng ta đang ăn mặc, ứng xử như Hàn Quốc. Phim của họ xuất khẩu, nội dung cũng không có gì sâu sắc, chủ yếu chuyện tình tay ba, rồi chuyện bệnh tật, phân biệt đẳng cấp giàu nghèo nhưng rất gần gũi và hấp dẫn. Có thể chính người Việt chúng ta nhìn thấy được phong tục tập quán cha con chồng vợ rồi “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, ứng xử văn hóa nơi công cộng, cha mẹ ốm con chăm sóc… trong các bộ phim ấy.
Nhà làm phim Hàn Quốc đã rất thành công khi đưa cuộc sống đời thường vào phim ảnh rất tự nhiên rất gần gũi. Nhưng chính qua những đời thường ấy họ giáo dục nền nếp gia đình, tôn ti trật tự, gia giáo xã hội rất tốt và qua đó định hướng về văn hóa lối sống cho xã hội đặc biệt là thế hệ trẻ.
Phim Mỹ dù là phim giải trí, nhưng người hùng của họ phải vượt qua cơ man nào thử thách mới có thể trở thành người hùng. Chẳng hạn như phim “Ở nhà một mình”, cậu bé phải 1 mình tự vệ chống chọi với 2 tên trộm liều lĩnh, thủ đoạn. Cậu bé này không cần trợ giúp gì, tự sáng tạo theo hoàn cảnh để đối phó với kẻ cướp. Hoặc như phim “ErinBrokovic” cũng vậy, 1 nách 3 đứa con nhưng nhân vật nữ chính trong phim đã vượt qua mọi khó khăn, định kiến để tồn tại và để sống tốt. Những điều này đâu có xa lạ với người Việt khi muốn nói về sự vươn lên trong cuộc sống khó khăn.
Phim truyền hình Việt Nam cũng xoay quanh những đề tài về cuộc sống, nhưng cách làm không ổn. Nội dung kịch bản chỉ phản ảnh sự việc mà chưa phản ánh được thân phận con người. Phim truyền hình thoại rất nhiều, đôi khi lại lạm dụng cách nói năng ứng xử "tự nhiên chủ nghĩa" như... ngoài chợ thì hiệu quả giáo dục khó mà cao được, thậm chí đôi khi còn phản tác dụng.
Chúng ta chưa đánh giá hết vai trò giá trị giáo dục, của những thứ rất đời thường ấy và cho là nó quá nhỏ, quá vặt không quan tâm… cứ phải những tư tưởng lớn xa vời ở đâu đấy. Những cái nhỏ không làm được thì cái lớn làm sao làm nổi mà có làm thì cũng khó hay, mà khó hay thì khó đi vào lòng người. Cứ cái này ràng buộc cái kia khiến cho mọi thứ thành ra lúng túng.
Nói như vậy là đồng nghĩa với việc sự đầu tư của Nhà nước để làm những bộ phim tuyên truyền đang cần thay đổi, thưa bà?
NSƯT Hồng Ngát: Chúng ta muốn phim của mình hay hơn, tốt hơn, phát huy tốt hơn vai trò quảng bá và giữ gìn văn hóa truyền thống. Nhưng thấy phim ngoại thống lĩnh rạp chiếu phim, phủ kín sóng truyền hình, ảnh hưởng nhiều tới thế hệ trẻ Việt Nam tôi sốt ruột lắm.
Thế nhưng không phải vì để có việc làm mà chúng ta cứ làm theo cách đó mãi. Truyền hình cần nhiều phim để phát sóng, bên làm phim thì cũng muốn làm nhiều phim. Vì thế phải gỡ được bất cập này để làm sao 2 bên gặp nhau, bên có vốn bên có sức, để sản xuất được những bộ phim hay phục vụ công chúng. Tôi tin khán giả sẽ là người được hưởng lợi vì sẽ có những bộ phim hay gần gũi thiết thực, mang hơi thở cuộc sống hiện đại.
Theo tôi, để phát triển công nghiệp văn hóa như một công cụ truyền bá, giữ gìn văn hóa truyền thống, chúng ta hãy thử tập trung vào một lĩnh vực như điện ảnh thôi. Phải đầu tư mạnh dạn cho thế hệ trẻ đi học nước ngoài ra tấm ra món ở những kinh đô điện ảnh thế giới đi. Hãy đầu tư mạnh tay, cử 1.000 người đi, có 500 người về là rất mừng rồi. Và 500 người ấy họ làm được phim hay, sẽ kéo khán giả Việt Nam trở lại với phim Việt và cuối cùng là văn hóa Việt.
Khi đó phim Việt sẽ thực sự phát huy được vai trò như một công cụ giữ gìn bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Xin cảm ơn bà!
Nguyệt Hà (thực hiện)