In bài viết

Sức trẻ nơi phên dậu Tổ quốc

(Chinhphu.vn) - Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, những trí thức trẻ tình nguyện ở các Đoàn Kinh tế quốc phòng 207, 737, 516 và Công ty THHH MTV cà phê 15 (Quân khu 5) đã và đang cống hiến tuổi thanh xuân, thực hiện "4 cùng" với đồng bào nơi phên dậu của Tổ quốc.

25/03/2023 08:10
Sức trẻ nơi phên dậu Tổ quốc - Ảnh 1.

Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn kinh tế quốc phòng 737 dạy học trong dịp hè năm 2022 tại Khu kinh tế quốc phòng Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: VGP/Phan Định

Mong bà con vùng cao có cuộc sống đầy đủ hơn

Xây dựng các kinh tế quốc phòng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, nơi có điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội đặc biệt khó khăn. 

Sinh ra và lớn lên tại TP. Đà Nẵng, trí thức trẻ tình nguyện Lê Ngọc Dũng, 24 tuổi, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chuyên ngành kinh tế xây dựng, vốn dĩ có thể chọn cho mình công việc theo đúng ngành học ở thành thị, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, thế nhưng, với mong muốn cống hiến sức trẻ, góp phần giúp đồng bào nơi gian khó phát triển kinh tế-xã hội, Dũng đã tình nguyện xung phong lên công tác tại Trung tâm Thương mại dịch vụ và nông lâm (Đoàn Kinh tế quốc phòng 207, Quân khu 5) tại xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, thuộc khu kinh tế quốc phòng Tây Giang-Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Ở nơi biên cương, vượt lên điều kiện sinh hoạt khó khăn, Dũng thực hiện 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất và nói tiếng đồng bào dân tộc) với bà con. Chính từ trải nghiệm cuộc sống nơi gian khó, thấu hiểu điều kiện của bà con, Dũng đã tham mưu, giúp Đoàn Kinh tế quốc phòng 207 lập trang web vận hành điểm tiêu thụ nông sản vùng cao Quảng Nam tại Đà Nẵng.

"Khi hay tin đơn vị tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện, tôi liên hệ đăng ký ngay. Mình còn trẻ, phải xông pha nơi khó khăn để thử thách, rèn luyện bản thân. Tôi muốn đem chút ít sức trẻ giúp bà con nơi có cuộc sống đầy đủ hơn. Tôi rất vui khi thấy có nhiều người dân đã biết và đến điểm tiêu thụ tìm mua các sản phẩm nông sản sạch", Dũng chia sẻ.

Lê Ngọc Dũng chia sẻ, quá trình quan sát thực tế, anh thấy rằng, với sự hỗ trợ về con giống, vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc của Đoàn Kinh tế quốc phòng 207, bà con đã biết cách chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế hộ gia đình. Song các sản phẩm làm ra chưa có nơi tiêu thụ ổn định, sức lao động của người dân chưa được trả công tương xứng, anh mong muốn qua nền tảng số, các sản phẩm của bà con vùng cao sẽ được nhiều người biết đến.

Sức trẻ nơi phên dậu Tổ quốc - Ảnh 3.

Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế quốc phòng 207 giúp người dân vùng cao Khu Kinh tế quốc phòng Tây Giang – Nam Giang (Quảng Nam) thu hoạch lúa mùa - Ảnh: VGP/Phan Định

Vừa lo đầu ra, Dũng còn lo đầu vào cho điểm tiêu thụ. Mùa vụ về, anh lại cùng với cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế quốc phòng 207 đến các nơi trong Khu Kinh tế quốc phòng thu mua sản phẩm cho bà con.

Dũng cũng tâm sự sẽ cùng bà con nâng cao giá trị kinh tế các mặt hàng so với sản phẩm thô. Chẳng hạn, từ hạt đậu đỏ thô, bà con có thể rang lên, xay thành bột thương phẩm để bán. Bản thân mong dự án sẽ ngày càng thành công và được nhân rộng, các khu kinh tế quốc phòng cùng nhau hợp sức để đưa cuộc sống người dân vùng cao được nâng lên, nhận được thành quả xứng đáng từ sức lao động của mình.

Hiện điểm tiêu thụ có trên 45 sản phẩm sạch do người dân sản xuất và khai thác như măng rừng, rau rừng, gạo nếp, các loại củ, quả và thịt gia súc, gia cầm… trong đó có các sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia do Đoàn Kinh tế quốc phòng 207 hỗ trợ, giúp người dân khu vực biên giới thoát nghèo bền vững.

Sức trẻ nơi phên dậu Tổ quốc - Ảnh 4.

Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế quốc phòng 207 hướng dẫn người dân vùng cao kỹ thuật xử lý đất trồng cây ăn quả - Ảnh: VGP/Phan Định

"Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên"

Không chỉ những trí thức trẻ tình nguyện lần đầu xung phong đến nơi gian khó như Lê Ngọc Dũng, còn có nhiều thanh niên đã tình nguyện lên các Khu Kinh tế quốc phòng lần 2 với mong muốn được cống hiến vì quê hương, đất nước, vì đồng bào nơi phên dậu Tổ quốc.

Là con út trong gia đình có bố và 4 anh chị đều là bộ đội, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của đồng bào ở Khu Kinh tế quốc phòng Ea Súp (xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), phát huy truyền thống gia đình, trí thức trẻ tình nguyện Trần Thị Như Út Lương lần thứ hai xung phong lên công tác ở vùng đất gian khó này.

Là y sĩ, Út Lương được phân công về công tác tại bệnh xá của Đoàn Kinh tế quốc phòng 737. Từ kinh nghiệm trong lần đầu công tác ở đây, Lương chia sẻ: "Tôi muốn cống hiến sức trẻ bằng những việc làm thiết thực. Nắm chắc phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào, chúng tôi từng bước góp sức tác động thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, nhất là kiến thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe".

Sức trẻ nơi phên dậu Tổ quốc - Ảnh 5.

Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 giúp người dân Khu KTQP Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk chăm sóc vườn cây ăn quả phát triển kinh tế hộ gia đình - Ảnh: VGP/Phan Định

Sau một năm triển khai thực hiện Dự án "Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các Khu Kinh tế quốc phòng (gọi tắt là Dự án 174)" giai đoạn 2021-2030, cấp ủy, chỉ huy, Ban quản lý Dự án 174 Quân khu và các đơn vị đã tổ chức tuyển chọn, quản lý, sử dụng trí thức trẻ tình nguyện đúng quy định, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án.

Đại tá Lê Thành Tôn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án 174, Quân khu 5 đánh giá: "Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, trình độ, kiến thức khoa học, đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện đã phát huy tốt vai trò, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ các đoàn kinh tế quốc phòng và nhân dân vùng dự án tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, đạt kết quả thiết thực.

Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện đã tích cực tuyên truyền, vận động và làm nòng cốt trong tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật triển khai thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng kinh tế hộ gia đình bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều mô hình xóa đói, giảm nghèo đã được xây dựng và nhân rộng, đem lại hiệu quả thiết thực.

Các đội viên cũng đã xung kích trong thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, phong trào, cuộc vận động, như: "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", "Quân đội chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"...; góp phần xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tình nguyện xung phong đến công tác nơi phên dậu Tổ quốc, đất đai sỏi đá, khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng với sức trẻ và khát vọng cống hiến, các trí thức trẻ tình nguyện luôn nỗ lực, cố gắng, chung tay, góp sức xây dựng, giúp đời sống của đồng bào ở các khu kinh tế quốc phòng ngày càng no ấm, khởi sắc.

Những cán bộ, đoàn viên, thanh niên như trí thức trẻ tình nguyện Lê Ngọc Dũng hay Trần Thị Như Út Lương, cùng với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã và đang xung kích nhận việc khó, cống hiến hết mình cho Tổ quốc và quân đội; đồng thời, kế tục xứng đáng truyền thống của tuổi trẻ Việt Nam: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên".

                                                                        Phan Định