In bài viết

Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Nội dung Đề án "Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu bảo quản an toàn và phát huy hiệu quả giá trị các tài liệu lưu trữ quý, hiếm sưu tầm được.

04/06/2012 15:16

Một mộc bản dưới triều vua Minh Mạng. Ảnh: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Việc sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm cũng nhằm bổ sung vào các phông lưu trữ đang bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ).

Đồng thời, trợ giúp các cá nhân, gia đình, dòng họ... trong việc bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ quý, hiếm - một bộ phận di sản quý giá của dân tộc trước nguy cơ ngày càng bị xuống cấp do không được bảo quản đúng chế độ.

Đề án "Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam" được thực hiện từ năm 2012 - 2020 với đối tượng sưu tầm là tài liệu lưu trữ quý, hiếm bao gồm những tài liệu có giá trị đặc biệt, hiếm có về nội dung, hình thức vật mang tin và thời gian.

Nội dung tài liệu sưu tầm gồm tài liệu về hoạt động của bộ máy Nhà nước qua các thời kỳ lịch sử Việt Nam; các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao... tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam mà tài liệu trong các Trung tâm lưu trữ quốc gia không có hoặc có nhưng không đầy đủ; tài liệu về các cá nhân, gia đình, dòng họ có nhiều dấu ấn trong lịch sử Việt Nam;...

Hình thức tài liệu sưu tầm phải độc đáo về vật mang tin (lá, gỗ, vải, da, giấy dó...); độc đáo về ngôn ngữ thể hiện, hình thức trình bày, kỹ thuật chế tác (hình vẽ, hoa văn, ký hiệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh...); bản chính, bản gốc, bản thảo viết tay hoặc có bút tích của các cá nhân tiêu biểu.

Ở trong nước, sưu tầm tại các cơ sở thờ tự; các cá nhân, gia đình, dòng họ... trên phạm vi toàn quốc. Ở nước ngoài, địa điểm sưu tầm chủ yếu là các cơ sở Lưu trữ, Thư viện, Bảo tàng, Viện nghiên cứu và các tổ chức, cá nhân có tài liệu về Việt Nam.

Hoàng Diên