In bài viết

Syria đã ‘nóng’ lại càng thêm ‘nóng’

(Chinhphu.vn) – Sự “gia nhiệt” này lại xuất phát từ việc liên quân do Mỹ dẫn đầu bắn hạ một máy bay của Syria hôm 18/6.

20/06/2017 14:47
Quân đội Syria cho biết liên quân do Mỹ dẫn đầu đã bắn hạ một máy bay ném bom Su-22  của quân đội Syria tại vùng nông thôn thuộc tỉnh Raqqa (ở miền Bắc Syria), khi máy bay này đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

"Cuộc tấn công này là âm mưu nhằm phá hoại các nỗ lực của quân đội, vốn là lực lượng hiệu quả duy nhất trong cuộc chiến chống khủng bố trên khắp lãnh thổ của đất nước. Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh quân đội Syria và các đồng minh đang có những bước tiến rõ rệt trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS", tuyến bố của quân đội Syria nhấn mạnh.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc biện bạch rằng việc này diễn ra sau đụng độ giữa lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn và lực lượng do Chính phủ Syria ủng hộ gần Raqqa.

Mỹ cho rằng lực lượng Syria đã tấn công các SDF và sau đó không phản ứng trước nỗ lực ngăn chặn vụ tấn công từ phía quân đội Mỹ thông qua kênh giảm xung đột.

Phía Lầu Năm Góc cũng tuyên bố: “Liên minh không tìm cách chống lại Chính phủ Syria, Nga hay lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria nhưng cũng sẽ không ngần ngại bảo vệ liên minh và lực lượng đối tác trước bất kỳ mối đe dọa nào”. 

Vụ việc này khiến Nga “không thể không lên tiếng”.

Phát biểu với báo chí ngày 19/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng việc Mỹ tấn công máy bay của Syria là hành động "xâm lược" và "hỗ trợ khủng bố". Ông Ryabkov cũng cho rằng việc Mỹ tấn công quân đội Syria là một bước đi có thể khiến tình hình leo thang một cách nguy hiểm, đồng thời cảnh báo Washington không sử dụng vũ lực nhằm vào quân Chính phủ Syria. 

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo là dừng hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ bản ghi nhớ chung về việc ngăn chặn đụng độ và đảm bảo an toàn hàng không tại Syria từ ngày 19/6.

Trước phản ứng của Nga, Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer, ngày 20/6 cho rằng "điều tối quan trọng là chúng ta (tức Mỹ và Nga) giữ đường dây liên lạc thông suốt để giảm thiểu các vấn đề tiềm ẩn”, nhưng lại khẳng định Washington có quyền tự vệ để bảo vệ quân đội Mỹ và các lợi ích của mình tại Syria…".

Những diễn biến trên cho thấy rõ thêm mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ về các mục tiêu chiến lược trên chiến trường Syria.

Trong khi Nga nhìn nhận chính quyền Syria do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu chống khủng bố là lực lượng chính, thì Mỹ coi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad là vật cản cho tiến trình thiết lập nền  hòa bình ở Syria…

Vụ liên quân do Mỹ dẫn đầu bắn hạ máy bay quân đội Syria lần này cũng được các nhà quan sát cho là sự leo thang căng thẳng "chưa có tiền lệ". Nếu diễn biến đó không được hóa giải, hậu quả là rất khó lường.

Tuyết Minh