Nhìn lại những tháng cuối năm 2011, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng, nguy cơ đổ vỡ ngân hàng hiện hữu, một số ngân hàng đứng trước bờ vực phá sản. Những yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã làm nóng nghị trường và trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Ảnh minh họa |
Trong những tháng đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẩn trương xây dựng Đề án “Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” và kế hoạch hành động với các nhóm giải pháp cụ thể và đồng bộ về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Đáng chú ý, NHNN đã tiến hành phân loại hệ thống các TCTD Việt Nam thành 3 nhóm để xác định mức độ rủi ro và đề ra những giải pháp tái cơ cấu cụ thể cần triển khai thực hiện, khoanh vùng 9 TCTD yếu kém phải gấp rút xây dựng đề án tái cơ cấu. Mục tiêu của những đề án này là đảm bảo tính thanh khoản, tránh đổ vỡ, bù đắp đầy đủ mọi tổn thất của những ngân hàng bị xử lý. Sau hợp nhất, sáp nhập, hoặc được NHNN chấp thuận phương án tái cơ cấu, các TCTD phải triển khai giải pháp tái cơ cấu toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục nhược điểm còn tồn tại.
Trước đó, ngày 6/12/2011 tại TPHCM, Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa và Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã chính thức ký thỏa thuận hợp nhất theo nguyên tắc tự nguyện. Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn được giữ lại làm tên gọi của ngân hàng mới. Đây là ba ngân hàng có nhược điểm chung là bị mất khả năng thanh toán tạm thời do sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn. Vì thế, NHNN đã tiến hành hỗ trợ cho vay để đảm bảo thanh khoản, đồng thời chỉ định Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đóng vai trò đại diện phần vốn Nhà nước tại ngân hàng mới này.
Ngày 28/8/2012, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) chính thức sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Sau khi sáp nhập, qui mô vốn điều lệ của SHB đã lên đến 8.800 tỉ đồng, tổng tài sản 100.000 tỉ đồng, với 1.600 cán bộ nhân viên làm việc tại 242 chi nhánh và phòng giao dịch.
Trong năm 2012, NHNN cũng đã phê duyệt đề án tự cơ cấu lại của Ngân hàng TMCP Dầu khí.
Trong năm 2013, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến và phê duyệt thêm phương án tái cơ cấu 3 ngân hàng yếu kém tiếp theo, trong đó 1 ngân hàng sẽ hợp nhất với TCTD khác, và 2 ngân hàng tự cơ cấu lại.
Đối với 1 ngân hàng yếu kém còn lại, NHNN đang xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án tự củng cố, chấn chỉnh trên cơ sở có sự tham gia góp vốn từ TCTD nước ngoài.
Sáng 25/9/2013, Ngân hàng Đại Á đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường. Tại phiên họp này, các cổ đông đã nhất trí thông qua đề án và hợp đồng sáp nhập vào Ngân hàng Nhà TPHCM (HDBank).
Đến nay, Ngân hàng Phương Tây đã hoàn tất những thủ tục cần thiết và sẽ sáp nhập với Tổng Công ty cổ phần Dầu khí (PVFC) để thành lập ngân hàng mới với tên gọi là Ngân hàng Đại chúng (PVcombank), dự kiến sẽ chính thức ra mắt vào ngày 3/10/2013.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý 9 ngân hàng TMCP yếu kém đã được xác định từ đầu năm 2012, NHNN đang tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số TCTD yếu kém khác và yêu cầu những TCTD này xây dựng phương án tái cơ cấu trình NHNN phê duyệt, đảm bảo xử lý dứt điểm những TCTD yếu kém trong năm 2013 theo đúng mục tiêu của Đề án.
Có thể nói, sau gần 2 năm thực hiện Quyết định 254/QĐ-TTg về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Các ngân hàng yếu kém đang tiến hành tái cơ cấu đều coi trọng và đẩy mạnh đổi mới để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ, rà soát và kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại mạng lưới và định hướng chiến lược kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.
Cho đến nay, hầu hết các ngân hàng đều có mức tăng trưởng huy động vốn khá cao, tỉ lệ nợ xấu đã giảm mạnh, tình hình hoạt động đã được cải thiện đáng kể, nguy cơ đổ vỡ do mất thanh khoản đã bị loại trừ hoàn toàn.
Xuân Thanh