![]() |
Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành thông minh, an toàn và đáng sống. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Theo TS. Trần Du Lịch, với tầm nhìn đến năm 2020, Đà Nẵng nên tập trung mục tiêu tái cơ cấu cụ thể chứ không phải tái cơ cấu tất cả. Lĩnh vực nào làm tốt thì tiếp tục phát huy, chỉ tái cơ cấu những lĩnh vực chưa phát triển hoặc chệch hướng so với Nghị quyết 33/NQ-TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) và Quyết định phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế-xã hội TP. Đà Nẵng đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh một số lĩnh vực thành công của Đà Nẵng cần tiếp tục đầu tư phát triển như kiến trúc đô thị, cơ sở hạ tầng, hệ thống CNTT nhất là công nghệ phần mềm, du lịch biển, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng trung tâm hậu cần nghề cá, trong đó cần chú ý kinh tế trên biển, ngư dân đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, cần ưu tiên huy động vốn đầu tư hỗ trợ thị trường để tạo sự kết nối phát triển các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Đà Nẵng cần xác lập một sự khác biệt, có phương pháp tiếp cận đột phá mạnh mẽ, định vị vai trò trung tâm trong chuỗi phát triển cho toàn khu vực miền Trung, nhất là phát triển du lịch, dịch vụ có đẳng cấp để đón du khách đến miền Trung.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng đề cập đến việc xây dựng chính quyền đô thị, chú trọng phát triển CNTT, cơ khí, điện tử, dệt may da giày, công nghiệp hỗ trợ.
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhấn mạnh mục tiêu, định hướng của Thành phố là thực hiện tái cơ cấu để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế quy mô rộng sang phát triển theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh, hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.
Cụ thể là tái cơ cấu đầu tư công, tăng sức cạnh tranh, gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Trong đó cần có những giải pháp để huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Ngành dịch vụ được hỗ trợ nhiều chính sách phát triển theo chiều sâu, nhất là sản phẩm có lợi thế như du lịch, thương mại, giáo dục... Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chính quyền đô thị.
Thế Phong