Theo Bộ Tài chính, trong 6 năm trở lại đây, tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm, từ mức 62,2% (năm 2016) xuống còn 43,1% GDP (năm 2021). Với quy mô GDP năm 2021 là 368 tỷ USD, mức nợ công của Việt Nam năm 2021 tương đương 157 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng đang giảm. Cụ thể, nợ Chính phủ giảm từ 51,7% GDP (năm 2017) xuống còn 39,1% GDP (năm 2021), tương đương gần 144 tỷ USD. Nợ Chính phủ bảo lãnh giảm từ 9,1% GDP (năm 2017) xuống còn 3,8% GDP (năm 2021), tức giảm gần 14 tỷ USD. Nợ chính quyền địa phương giảm từ 1,1% GDP (năm 2017) xuống còn 0,6% (năm 2021). Nợ nước ngoài của quốc gia giảm từ 49% GDP (năm 2017) xuống còn 38,4% (năm 2021).
Về cơ cấu nợ, nợ vay trong nước lại tăng đáng kể. Theo đó, đến hết năm 2021, nợ vay trong nước chiếm 67,2% dư nợ Chính phủ, tương đương 2,2 triệu tỷ đồng, còn nợ nước ngoài có xu hướng giảm dần.
Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết công tác quản lý nợ công tại Việt Nam hiện nay đang thực hiện theo cơ chế phân công, phối hợp nhưng chưa có sự chuyên môn hóa một đầu mối. Các công cụ quản lý nợ công như: Chiến lược vay, trả nợ công 10 năm; chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm, các hạn mức vay nợ... đã được thể chế hóa và triển khai hiệu quả từ khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 có hiệu lực.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững thì việc tăng cường áp dụng các công cụ quản lý nợ hiện đại và cơ chế quản lý rủi ro danh mục nợ đồng bộ, thống nhất từng bước, áp dụng các thông lệ tốt trong quản lý nợ công theo chuẩn mực quốc tế là cần thiết.
Tại hội thảo, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã chia sẻ cụ thể hơn về các thông lệ tốt trong quản lý nợ công, tập trung vào khía cạnh tổ chức thể chế, quản lý rủi ro danh mục nợ công, phát triển thị trường vốn trong và ngoài nước.
Các chuyên gia quốc tế tập trung chia sẻ kinh nghiệm về lựa chọn cấu trúc trong thiết kế một cơ quan quản lý nợ (DMO), cụ thể hóa vai trò, chức năng của DMO thông qua đồng bộ hóa các tài liệu pháp lý, quy trình nội bộ và đưa ra khuyến nghị lộ trình để thiết lập DMO phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thể chế quản lý của Việt Nam.
Ông Mike Williams, chuyên gia độc lập của IMF cho rằng các thức tổ chức quản lý nợ công ở Việt Nam tương đối khác với nhiều nước. Dù hiện nay cơ chế hiện tại vẫn phát huy tác dụng, thông tin lưu chuyển và phối hợp khá tốt, nhưng việc phân tích để đưa ra quyết định vẫn cần có sự tích hợp, tập trung vì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Một vấn đề hiện nay của cách quản lý phân tán là thứ tự ưu tiên của các đơn vị khác nhau, điều đó dẫn đến việc qua thời gian dài sẽ bộc lộ những bất cập bị phân tán, ảnh hưởng đến việc ra quyết định quản lý có hiệu quả cao nhất.
"Thay đổi mang tính cách mạng về quản lý sẽ phát tín hiệu tích cực thị trường và mang lại thông điệp rõ ràng với các đối tác hơn là cách làm thay đổi dần dần. Do đó, Việt Nam nên thay đổi cơ chế quản lý phân tán để có các quyết định tập trung hơn", chuyên gia của IMF khuyến nghị.
Theo chuyên gia của IMF, ở các nước thuộc thị trường mới nổi, cơ quan quản lý nợ nên được đặt trong hoặc gần với Bộ Tài chính. Nếu đặt bên trong Bộ Tài chính sẽ ít gây áp lực hơn cho khung quản trị; giảm bớt rủi ro ủy thác; gần với chức năng ngân sách và kế hoạch; tạo thuận lợi cho Bộ Tài chính giám sát hiệu quả hoạt động.
Chuyên gia của IMF cho rằng các cơ quan quản lý nợ hiện đại không dừng lại ở quản lý nợ mà còn quản lý nghĩa vụ nợ dự phòng và quản lý ngân quỹ.
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ ngày càng tăng. Các cơ quan quản lý nợ ngày càng được giao thêm các chức năng khác như quản lý bảng cân đối kế toán của toàn bộ khu vực Chính phủ, bao gồm quản lý ngân quỹ Nhà nước; cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương vay lại và các tài sản khác; quản lý rủi ro; sử dụng năng lực cung cấp các dịch vụ trong nội bộ Chính phủ.
"Xu hướng này hoàn toàn hợp lý. Chính phủ có thể phát huy năng lực của các chức năng quản lý nợ và đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn cao. Các cơ quan quản lý nợ cũng hiểu rõ về các mục tiêu của Chính phủ với bảng cân đối tài sản của mình và thái độ của Chính phủ đối với rủi ro... Tuy nhiên, vấn đề này đòi hỏi phải có sự rõ ràng về vai trò và trách nhiệm tương ứng và nguồn lực đầy đủ", chuyên gia IMF nhấn mạnh.
Anh Minh