Ảnh minh họa |
Sóc Trăng: Thiếu giống, cố gắng để tái đàn
Tại Sóc Trăng, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ muốn tái đàn, song nguồn cung lợn giống thiếu trầm trọng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết: Sau khi tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, thị trường thịt lợn giá cũng tăng cao, lợn hơi duy trì mức cao 80.000-82.000 đ/kg (lợn đúng tạ 100 kg/con giá 8-8,2 triệu đồng/con). Do nuôi có lợi nhuận cao nên nhiều hộ muốn tái đàn. Tuy nhiên nguồn cung lợn giống ra thị trường gần như không có. Các hộ nuôi lợn nái đẻ bán lợn giống đã “chia sẻ” với các hộ cần mua, nhưng bán giá cao: Lợn đực giống sau dứt sữa, trọng lượng 7-8 kg/con giá 2 triệu đồng/con. Lợn giống cỡ 17-18 kg/con giá 3 triệu đồng/con. Riêng lợn hậu bị trên 60-80 kg/con không có hộ chăn nuôi nào chịu bán, dành để nuôi thương phẩm.
Việc tái đàn, tăng đàn lợn tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn bởi dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm, virus có sức đề kháng cao, đường lây truyền phức tạp, chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa do điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ phổ biến, cơ sở vật chất hạn chế, khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu tái đàn nội bộ, cung cấp cho các trang trại theo mạng lưới gia công. Vì vậy lợn giống càng có giá cao. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tái phát dịch từ một số cơ sở và hộ chăn nuôi vội vã tái đàn mà chưa đảm bảo điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuy nhiên để tăng đàn lợn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng đã tổ chức thẩm định điều kiện tái đàn cho các cơ sở đăng ký tập trung chủ yếu ở các trang trại của doanh nghiệp chăn nuôi lớn có khả năng chủ động về con giống, có điều kiện về trang thiết bị, vật tư và kỹ thuật, đáp ứng điều kiện an toàn sinh học. Do đó trong thời gian tới số lượng đàn lợn tái đàn sẽ tiếp tục tăng.
Đến tháng 6/2020 Sóc Trăng có tổng đàn lợn hơn 94.000 con, trong đó lợn tái đàn trên 58.308 con, chủ yếu là lợn thịt.
Bình Định: 150 tỷ đồng trợ lực người chăn nuôi tái đàn
Bên cạnh hướng dẫn nông dân kỹ thuật tái đàn lợn theo hướng an toàn, Bình Định đang nỗ lực triển khai gói hỗ trợ 150 tỷ đồng để người chăn nuôi tái đàn lợn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc tiếp tục được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ nên dịch bệnh không phát sinh trên địa bàn. Đó là cơ sở để Bình Định thực hiện quyết tâm khôi phục và phát triển đàn lợn, tăng giá trị ngành chăn nuôi, phấn đấu đến năm 2025 tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt 1,2 triệu con.
Để đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh chi ngân sách 75 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cộng với 75 tỷ đồng của ngân hàng này cân đối để cho các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi lợn vay vốn đầu tư mua con giống, thức ăn, thuốc thú y và mở rộng chuồng trại để tái đàn lợn.
Bên cạnh đó, hướng dẫn người chăn nuôi phải tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh chuồng trại theo quy định và tự nguyện cam kết chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh. Mỗi hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi được vay tối đa không quá 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tham vấn cộng đồng; kiểm tra, xác định đối tượng đảm bảo điều kiện được vay vốn để tái đàn lợn.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định, tính đến nay đã có 5.996 hộ dân tại 124 xã, phường, thị trấn đăng ký vay vốn từ gói hỗ trợ 150 tỷ đồng của tỉnh để đầu tư tái đàn lợn. Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ tiền lãi vay vốn tối đa không quá 12 tháng với mức lãi suất vay là 7,92%/năm, tương đương 0,66%/tháng, bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo.
Tái đàn lợn ở Gia Lai: Chậm nhưng chắc
Nhiều loại nông sản ở Tây Nguyên xuống giá nhưng giá thịt lợn vẫn cao. Tỉnh Gia Lai đã hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn lợn hiệu quả, tránh dịch bệnh bùng phát.
Số liệu từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Gia Lai cho biết: Trước khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi, toàn tỉnh có 440- 460 ngàn con lợn. Trong đợt dịch, có khoảng 30 ngàn con bị chết. Số liệu tính đến ngày 31/12/2019, toàn tỉnh còn 390 ngàn con lợn. Sau dịch, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cùng các địa phương tổ chức tái đàn, hiện đã nâng lên khoảng 409 ngàn con lợn.
Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra chuồng trại trong hộ dân và trong các trang trại tập trung, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh đối với đàn lợn ra vào tỉnh, cơ quan thú y thường xuyên tuyên truyền đến các hộ dân, hướng chăn nuôi từ nơi có mật độ dân số cao đến nơi có mật độ dân số thấp, tránh nuôi tập trung tại nơi đông dân cư để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ cao. Theo đó, suất đầu tư sẽ giảm, lãi suất cao và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu vật nuôi: Từ 70% là lợn trong tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh (con số hiện tại), chuyển dần sang nuôi các loại gia cầm, gia súc ăn cỏ. Điều này sẽ giảm bớt rủi ro khi có dịch bệnh, đồng thời cân đối cơ cấu cho ngành chăn nuôi của tỉnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Gia Lai, Gia Lai là tỉnh có tổng đàn lợn rất lớn. Nhờ triển khai các biện pháp tái đàn lợn thận trọng, có hiệu quả nên chỉ sau một thời gian ngắn, tổng đàn dần hồi phục, gần bằng đàn lợn trước khi có dịch. Theo đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Gia Lai đã xuất sang các tỉnh khác khoảng 80 ngàn con lợn (bình quân 1,1 tạ/con).
Nam Định: Tái đàn lợn đã đạt trên 600 nghìn con
Sau nhiều tháng triển khai các biện pháp tái đàn, đến nay đàn lợn của tỉnh Nam Định đã đạt 600 nghìn con.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định, mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế nhưng chăn nuôi lợn 6 tháng đầu năm còn gặp nhiều khó khăn nhất là trong việc tái đàn do nguồn giống khan hiếm, giá con giống cao.
Đàn lợn 6 tháng đầu năm ước đạt 632,3 nghìn con, tăng 20,4% (tăng 107,1 nghìn con); sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 79,2 ngàn tấn, tăng 0,6% (tăng 499 tấn).
Do ảnh hưởng của bệnh COVID-19 nên tiến độ tiêm phòng triển khai chậm so với kế hoạch đề ra.
Từ đầu năm đến nay, ngành thú y Nam Định đã triển khai lấy 50 mẫu bệnh phẩm lợn để tiến hành giám sát các bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch tả lợn cổ điển và tai xanh ở lợn. Kết quả, bệnh dịch tả lợn châu Phi có 1/50 mẫu dương tính.
Thời gian tới, ngành thú y Nam Định sẽ tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi nhất là việc tái đàn.
Giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ; tập trung phát triển chăn nuôi trang trại ở các vùng quy hoạch; khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi sinh thái không mùi và áp dụng công nghệ chăn nuôi chuồng kín…
Đăk Nông: Tăng cường nhân giống
Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông), hiện nay toàn tỉnh có 250.252 con lợn, đạt 118% so với kế hoạch năm 2020. Trong đó đàn lợn thịt khoảng 230.200 con.
Công tác tái đàn lợn thời gian qua đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu người dân trên địa bàn tỉnh.
Để thúc đẩy tái đàn, tăng đàn nhanh và an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống tại địa phương tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi. Cùng với đó, các địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để chi trả kịp thời kinh phí hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy vì dịch tả châu Phi nhằm giúp họ có nguồn vốn khôi phục sản xuất, tăng quy mô đàn lợn./.