In bài viết

Tài liệu giảng dạy mầm non phải dễ hiểu, dễ làm

(Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn tài liệu trong các cơ sở giáo dục mầm non phải bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, dễ làm, thiết thực trong nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

20/04/2021 19:14

Lựa chọn tài liệu phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt tài liệu được phép sử dụng; hướng dẫn lựa chọn tài liệu trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Dự thảo nêu rõ, tài liệu được lựa chọn trên cơ sở thực tiễn việc thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, Chương trình giáo dục nhà trường, kế hoạch năm học chung của toàn ngành, nguồn lực của địa phương, nhà trường và phụ huynh; bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, dễ làm, thiết thực trong nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Lập Hội đồng lựa chọn tài liệu

Hội đồng lựa chọn tài liệu sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non (Hội đồng lựa chọn tài liệu) do người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non thành lập có nhiệm vụ lựa chọn tài liệu phù hợp nhằm thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non.

Hội đồng lựa chọn tài liệu bao gồm: Người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non, tổ trưởng chuyên môn, đại diện giáo viên các nhóm/lớp. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 9 người. Đối với cơ sở giáo dục mầm non có ít hơn 5 nhóm, lớp số lượng thành viên Hội đồng tối thiểu là 5 người.

Hội đồng lựa chọn tài liệu có trách nhiệm lựa chọn, đề xuất những tài liệu được sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non theo quy định. Các thành viên trong Hội đồng lựa chọn tài liệu chịu trách nhiệm về ý kiến nhận xét, đánh giá đối với tài liệu được lựa chọn.

Hội đồng lựa chọn tài liệu làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, trung thực. Kết quả của mỗi cuộc họp Hội đồng được ghi biên bản, có chữ ký của đầy đủ các thành viên Hội đồng tài liệu tham dự họp.

Cơ sở giáo dục mầm non tổ chức lựa chọn tài liệu, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; báo cáo phòng giáo dục và đào tạo kết quả lựa chọn tài liệu; chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về quyết định lựa chọn tài liệu.

Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sử dụng có hiệu quả những tài liệu đã lựa chọn trong tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

* Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 47/2020/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Thông tư 47 quy định: Việc lựa chọn học liệu phải có nội dung phù hợp với các lĩnh vực phát triển giáo dục trong Chương trình giáo dục mầm non; đảm bảo tính tích hợp, hỗ trợ phát triển toàn diện trẻ em. Học liệu bảo đảm tính thân thiện, phản ánh các sự vật, hiện tượng gần gũi với cuộc sống của trẻ em.

Học liệu không trái với văn hóa, lịch sử, địa lý và thuần phong mĩ tục của Việt Nam; không chứa đựng nội dung bạo lực, chiến tranh, thông tin xuyên tạc, kì thị về chính trị, tôn giáo, sắc tộc, giới tính. Học liệu có các yêu cầu cụ thể để tổ chức các hoạt động giáo dục, quan sát, đánh giá, hỗ trợ trẻ em; phù hợp với phát triển Chương trình giáo dục mầm non. Học liệu đáp ứng yêu cầu phát triển Chương trình giáo dục mầm non, phù hợp với xu thế hội nhập và yêu cầu đổi mới phương pháp.

Khánh Linh