![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trao tặng mộc bản "Chiếu dời đô" cho TP Hà Nội - Ảnh: Chinhphu.vn |
Hôm nay (24/9), Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ đã tổ chức trao tặng UBND TP Hà Nội phiên bản khắc tài liệu Mộc bản “Chiếu dời đô”.
Mộc bản “Chiếu dời đô” của Vua Lý Công Uẩn được các cán bộ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phát hiện trong quá trình tìm kiếm tài liệu thuộc khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới liên quan đến chủ đề Thăng Long - Hà Nội.
Mộc bản nằm trong bộ sách Đại Việt Sử ký toàn thư (kỷ Lý Thái Tổ - quyển 2 - mặt khắc 2), có ký hiệu H31/8. Đây là bản khắc chữ Hán ngược, khổ khuôn in 20 x 29,5cm). Toàn bộ "Chiếu dời đô" gồm 214 chữ (không kể phần chú thích).
Tuy chưa xác định chính xác được bản khắc này có từ thời Lê hay thời Nguyễn, nhưng có thể nói, tính đến thời điểm hiện nay, đây là bản khắc cổ nhất còn lại của Việt Nam về nội dung "Chiếu dời đô".
![]() |
Mộc bản Chiếu dời đô - Ảnh: Chinhphu.vn |
Ngoài ra, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước còn trao tặng thành phố Hà Nội 1.000 bản 2 cuốn sách: “Khoa bảng Thăng Long - Hà Nội qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn” và “Mộc bản triều Nguyễn - Chiếu dời đô và một số kiệt tác".
Hai cuốn sách nhằm giới thiệu những tài liệu gốc có giá trị văn hoá, lịch sử về khoa bảng Thăng Long - Hà Nội; về bản khắc cổ các tác phẩm bất hủ có giá trị lịch sử lớn và thiêng liêng đối với dân tộc như: Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn năm 1010, bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi...
Ngày 24/9, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Vũ Thị Minh Hương cho biết, sau khi phát hiện Mộc bản triều Nguyễn khắc “Chiếu dời đô”, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tiếp tục tìm thấy tấm mộc bản gốc khắc sự kiện vua Minh Mạng đổi và đặt tên Hà Nội trong khối Mộc bản triều Nguyễn đang được bảo quản. Mộc bản khắc sự kiện vua Minh Mạng đổi và đặt tên Hà Nội vừa được tìm thấy khắc bằng chữ Hán Nôm ngược, chiều dài 43cm, chiều rộng 23,6cm và dày 2cm, tại quyển 76, mặt khắc 17 trong bộ sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, khắc in vào năm Tự Đức thứ 14 (năm 1861). Bản khắc ghi rõ: Năm Minh Mạng thứ 12 (tức năm 1831), phủ Hoài Đức thuộc Bắc Thành trước đây, hợp với trấn Sơn Nam, đổi và đặt tên là tỉnh Hà Nội. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV còn tìm thấy một bản khắc khác nêu rõ việc vua Minh Mạng chia định địa hạt tỉnh Hà Nội năm 1831, gồm 4 phủ và 15 huyện. |
Thu Cúc