In bài viết

Tai nạn giao thông giảm, nhưng đô thị vẫn ‘nặng gánh’ ùn tắc

(Chinhphu.vn) - 5 năm trở lại đây, tại các đô thị lớn, lưu lượng xe cộ tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng tương xứng, khiến tình trạng ùn tắc ngày càng trầm trọng. Đây đang là bài toán khó với các cơ quan chức năng.

09/12/2015 09:29
Tắc đường là "chuyện thường ngày" ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.
Phương tiện tăng, nhưng đất cho giao thông không tăng

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, Hà Nội đăng ký hộ khẩu chính thức là khoảng 7 triệu người, nhưng người lưu hành là trên 10 triệu, kéo theo phương tiện giao thông và các dịch vụ khác. Trong khi đó, đường nội đô không mở rộng được nhiều. Điều này đã gây áp lực rất lớn đối với người dân cũng như cơ quan chức năng.

Tương tự, TPHCM đăng ký hộ khẩu 8 triệu người, nhưng lưu lượng về Thành phố lên đến 11-12 triệu người. Cảng Cát Lái một ngày có tới 16.000 xe tải trọng lớn ra vào khiến tình trạng ùn tắc ngày càng trầm trọng.

“Hiện, cả nước có khoảng 4 triệu ô tô và trên 40 triệu mô tô. Xe máy điện chưa quản lý được, bình ắc quy xe máy điện nay mai sẽ thành bãi rác. Hạ tầng không tăng, nhưng phương tiện và tần suất phương tiện tham gia tăng, giải bài toán giao thông này rất khó”, Thiếu tướng Trần Sơn Hà chia sẻ.

Hạ tầng khó khăn là thế, nhưng tình trạng người vi phạm giao thông chống người thi hành công vụ không giảm: Trong 5 năm vừa qua, gần 250 vụ chống lực lượng cảnh sát giao thông, làm gần 100 đồng chí bị thương, có đồng chí bị thương rất nặng, Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho biết thêm.

Bên cạnh đó, nợ nghỉ phép của cán bộ chiến sĩ công an rất nhiều vì phải huy động tổng thể lực lượng, từ công an chính quy, đến cán bộ phường, xã tham gia đảm bảo giao thông, có đồng chí ngày làm 10-12 giờ, một tháng chỉ được nghỉ mỗi ngày chủ nhật.

“Trong năm tới, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ nghiêm trọng hơn, vì nước ta đã tham gia Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), lượng ô tô giảm thuế nhập khẩu sẽ được nhập về nhiều hơn, nhất là ở các thành phố lớn, trong khi đó Thủ đô và TPHCM đang thi nhiều công trình”, Thiếu tướng Trần Sơn Hà cảnh báo.

Thay mặt cho lãnh đạo Thủ đô – một trong hai thành phố  “nóng” về tình trạng tắc đường, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, về lâu dài, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển vận tải khách công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị, để giảm lượng phương tiện cá nhân.

Đồng thời, sẽ di chuyển các nhà máy, bệnh viện, trường học để giảm lưu lượng người vào nội đô.

Đây là những giải pháp căn cơ giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Việc xử lý các vi phạm ATGT phải làm nghiêm hơn, mạnh mẽ hơn.

Tăng chế tài xử phạt vi phạm ATGT

Đánh giá về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong 5 năm (2011-2015), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đảm bảo ATGT đã mang lại kết quả tích cực.

Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM và trên các quốc lộ trọng điểm đang được cải thiện; vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh (khoảng 85%), đặc biệt xe chở quá tải trọng trên 100% đã giảm nhiều; người dân đã tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm sâu.

Song, bên cạnh những thành quả đó vẫn còn không ít bất cập: Nhiều vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, số người chết vẫn còn lớn (9.000 người chết); xử lý xe chở quá tải tuy có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn 15% xe quá tải tàn phá đường. Đặc biệt, đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không đều có những vi phạm ATGT.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà nhìn nhận, yếu tố quan trọng nhất của các vi phạm giao thông vẫn là con người.

“Nhiều năm nay, việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, quản lý lái xe sau đào tạo cũng bị buông lỏng. Do đó, chế tài phải mạnh mới giảm được TNGT”, ông Trần Sơn Hà nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng: “Một đất nước mà để chết tới 9.000 người/năm vì TNGT là vẫn còn rất cao. Phải giảm hơn nữa số người chết vì TNGT, tiếp tục kéo giảm ùn tắc tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu: “Bên cạnh giáo dục trong từng đoàn thể, gia đình, người dân, thì tăng cường xử phạt, xử lý nghiêm vi phạm ATGT là rất quan trọng. Không khuyến khích các địa phương xử phạt nhiều, nhưng do ý thức của không ít người tham gia giao thông quá kém, nên việc xử lý các vi phạm ATGT phải làm nghiêm hơn, mạnh mẽ hơn”.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương phải tổ chức đánh giá tìm biện pháp căn cơ để toàn quốc kéo giảm số người chết vì TNGT xuống 5.000 người trong giai đoạn 2016-2020.

Phan Trang