In bài viết

Tai nạn lao động: Nguyên nhân từ sự chủ quan của người lao động

Hưởng ứng các hoạt động trong “Tháng công nhân” năm 2011, những ngày qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, động viên các đối tượng là nạn nhân bị TNLĐ và gia đình có người chết do TNLĐ trên địa bàn tỉnh. Theo chân đoàn tặng quà, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều câu chuyện mà chỉ vì một chút chủ quan, lơ là của cả người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình sản xuất đã dẫn đến những hậu quả đau lòng.

21/05/2011 14:26
Người lao động vẫn xem nhẹ việc trang bị các thiết bị bảo hộ lao động khi sản xuất. Theo số liệu từ sở Lao động- Thương binh và xã hội, trong năm 2010 toàn tỉnh đã xảy ra 1.176 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), có 20 TNLĐ làm chết người. Nguyên nhân chủ yếu liên quan trực tiếp đến nhận thức và trách nhiệm của cả người sử dụng lao động và người lao động. Có đến 48% các vụ TNLĐ chết người xảy ra do người bị nạn và người có liên quan vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc an toàn; 0,5% do không trang bị hoặc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; 1% là do không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn hoặc thiết bị, chỗ làm việc không đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động. Chị Nguyễn Thị Hồng Thủy, nhân viên công ty TNHH dệt may Thế Hòa bị tai nạn với thương tật lên đến 64%, bị bỏng toàn thân và liệt cánh tay trái. Thủy cho biết, bị tai nạn do nổ máy khi test mẫu. “Làm việc ở bộ phận test mẫu, bình thường trước khi làm phải thông báo với bộ phận bảo trì để kiểm tra an toàn máy. Ngoài ra bản thân cũng phải kiểm tra lại nhưng hôm đó tôi không thực hiện kiểm tra an toàn mà làm thí nghiệm luôn. Thế là máy bị nổ. Tai nạn một phần do tính chủ quan của tôi”, chị Thủy nói. Chị cũng cho biết thêm là sau khi bị tai nạn, công ty mới hỗ trợ tiền viện phí điều trị đợt đầu và bố trí làm việc trở lại ở vị trí khác còn ngoài ra, chị chưa nhận được khoản trợ cấp nào. Thăm và tặng quà chi Nguyễn Thị Hồng Thủy. Cuộc sống gia đình chị hiện tại khó khăn bởi chồng chị thu nhập bấp bênh nhưng lại phải vừa lo tiền học cho hai con, vừa lo tiền thuốc vì chị vẫn phải điều trị vật lý trị liệu hàng tuần cho cánh tay liệt và phẫu thuật thẩm mỹ ở vết bỏng tại mặt. Thế nhưng tai nạn của chị Hồng Thủy vẫn thuộc dạng nhẹ so với tai nạn của anh Nguyễn Văn Duẩn, công nhân công ty IL KwangVina, KCN Nhơn Trạch. Cách đây 10 năm, lúc công ty chuẩn bị xây nhà xưởng đầu tư sản xuất tại Nhơn Trạch, Đồng Nai, anh Duẩn là một trong những công nhân tham gia xây dựng đầu tiên. Khi quay lại làm việc sau giờ giải lao, do sơ ý anh Duẩn bám vào thanh dầm bắc ngang có vết hàn chưa kỹ. Chiếc dầm gẫy làm đôi, anh Duẩn bị ngã từ trên cao xuống, chấn thương sọ não. Anh Nguyễn Văn Nam, anh trai anh Duẩn cho hay, “Với tỷ lệ thương tật lên đến 91%, cả 10 năm nay em trai mình sống đời sống thực vật. Mọi hoạt động đi lại, ăn uống đều phải có người chăm sóc, giúp đỡ. Cả hai anh em từ quê Quảng Bình vào Đồng Nai làm ăn. Vậy mà...”. Không chỉ vậy, anh Duẩn bị nạn vào đúng thời gian chuẩn bị lập gia đình nên cha anh thay vì vào dự đám cưới con trai thì lại phải vào để chăm sóc con mình bị tật. Theo anh Nam kể, từ ngày cha anh mất, vợ anh phải ở nhà trông nom người em. Mọi gánh nặng chi tiêu gia đình trông chờ vào đồng lương công nhân anh làm được. Tặng quà anh Trương Văn Tin. Mặc dù khi anh Duẩn gặp nạn, công ty Il Kwang Vina cũng đã thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ, ngoài ra hiện nay hàng tháng công ty vẫn thực hiện trợ cấp trên 2 triệu đồng theo qui định với người lao động bị tai nạn có tỷ lệ thương tật cao. Câu chuyện thương tâm của anh Trương Văn Tin, công nhân công ty TNHH Đồng Phú – Long Thành cũng là bài học cho nhiều người lao động. Anh Tin bị bỏng với tỷ lệ thương tật lên đến 81% nên mặc dù đang ở tuổi lao động nhưng hiện nay anh cũng chỉ có thể làm công việc nhẹ để phụ thêm với gia đình. Anh Tin cho biết, tham gia ở công đoạn tạo phôi trong doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trang trí nội thất, khi bồn chứa bụi của công ty bốc cháy, anh chạy ra mở cửa bồn dập lửa nhưng do ngọn lửa quá lớn nên không những chẳng tắt mà anh còn bị lửa táp ra toàn thân và bỏng nặng phải đưa đi cấp cứu. Anh Tin cho rằng, giá như khi ấy bản thân bình tĩnh để bộ phận phụ trách bồn xử lý thì hậu quả đã không xảy ra. Hai vợ chồng anh Tin đều là công nhân ở trọ tại phường Long Bình, kể từ khi anh bị bỏng năm 2006 mọi gánh nặng thu nhập lại trông chờ vào đồng lương của vợ. Theo anh Tin, sau khi anh bị bỏng, công ty cũng đã thực hiện trách nhiệm thanh toán tiền viện phí và trợ cấp hàng tháng (hiện nay là hơn 1 triệu đồng). Ngoài ra, do sức khỏe anh Tin cũng đã bình phục nên công ty có bố trí anh quay lại làm việc ở vị trí chấm keo gỗ nhằm hỗ trợ gia đình anh cải thiện điều kiện sống. Không may mắn như những trường hợp trên, nạn nhân Nguyễn Bửu Minh, công ty OEIC và nạn nhân Nguyễn Ngọc Tiến, công ty Ajinomoto còn mất cả mạng sống. Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ TNLĐ đã xảy ra trên toàn tỉnh trong những năm vừa qua. Mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là ở sự chủ quan của cả người lao động và người sử dụng lao động khi sản xuất. Trao đổi với đại diện nhiều doanh nghiệp trong đoàn thăm hỏi động viên nạn nhân, bà Nguyễn Thị Thanh Toàn, Trưởng Ban Bảo hộ lao động, LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh, nguyên nhân các vụ TNLĐ xuất phát từ sự chủ quan của người lao động và cả người sử dụng lao động. Vì vậy để hạn chế các vụ TNLĐ đáng tiếc xảy ra, chủ doanh nghiệp quản lý người lao động phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện quy trình bảo hộ lao động; thường xuyên kiểm tra, giám sát người lao động thực hiện đúng, đủ khi tham gia sản xuất đồng thời có biện pháp xử phạt khi người lao động sai phạm. Đỗ Quyên