Đây là cảnh cáo mới nhất của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) về sự cạn kiệt tài nguyên của Trái Đất do chính con người gây nên.
Theo WWF, nhân loại hiện đang sử dụng vượt quá 50% nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Trái Đất có thể cung cấp. Từ năm 2008, nhân loại đã cần tới 18,2 tỷ héc ta đất nhưng Trái Đất chỉ có 12 tỷ héc ta đất có thể canh tác. Nếu thế giới không nhanh chóng thay đổi cách thức sử dụng tài nguyên thì vào năm 2030, ngay cả 2 Trái Đất như hiện nay cũng không thể đáp ứng được nhu cầu.
Nghiên cứu của WWF cũng cảnh báo kể từ năm 1970 đến năm 2008, 28% đa dạng sinh học của Trái Đất đã biến mất. Số lượng và mật độ của 2.688 loài động vật ở các khu vực khác nhau trên thế giới, đa dạng sinh học ở các khu vực nhiệt đới đã giảm tới 61% và ở các khu vực ôn đới giảm 31%.
Vào năm 2008, 1 người đã phải cần 2,7 héc ta đất toàn cầu để sản xuất các nguồn lực tiêu dùng cho mình, trong khi khả năng sinh học của Trái Đất chỉ có thể cung cấp 1,8 héc ta cho 1 người (biên độ về đất sinh học toàn cầu khác nhau theo từng nước, trong đó, cao nhất là Qatar 12 héc ta/người, thấp nhất là Palestin chỉ chưa đầy 1 héc ta/người).
Với nhịp độ tiêu thụ hiện nay, các nguồn tài nguyên sẽ nhanh chóng cạn kiệt, thậm chí một số hệ sinh thái sẽ nhanh chóng biến mất trước cả khi các nguồn tài nguyên hoàn toàn cạn kiệt.
Vì vậy, WWF kêu gọi thế giới khẩn cấp cắt giảm lãng phí và sử dụng các nguồn lương thực, năng lượng và nước bền vững hơn.
Nguyễn Hoa