In bài viết

Tại sao ECB phản ứng “ngược chiều” với Fed?

(Chinhphu.vn) - Khác với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tiếp tục tăng lãi suất như dự kiến. ECB tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm và để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất, nhằm kiềm chế lạm phát ngay cả khi kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu yếu đi.

16/06/2023 09:46
Tại sao ECB phản ứng “ngược chiều” với Fed? - Ảnh 1.

Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một thông báo chiều 15/6, ECB đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4%. Lãi suất tiền gửi sẽ tăng từ 3,25% lên 3,5%, mức cao nhất trong 22 năm qua, trong khi lãi suất cho vay qua đêm tăng lên 4,25%.

Các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ này đã được giới quan sát dự đoán từ trước nhằm kiềm chế lạm phát  vẫn ở mức cao trong khu vực. Tuy nhiên, quyết định của ECB lại khác với một quyết định đưa ra trước đó ở bên kia bờ Đại Tây Dương khi Fed đã "tạm nghỉ ngơi" sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp. 

Fed đã giữ nguyên lãi suất trong phạm vi từ 5- 5,25%, song đánh tín hiệu về việc chi phí cho vay có thể tăng thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay nếu lạm phát hạ nhiệt chậm hơn kỳ vọng.

động thái đưa lãi suất cơ bản của đồng Euro lên mức cao kể từ năm 2001 diễn ra đồng thời khi ECB tăng dự báo lạm phát và cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) trong 3 năm tới.

Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng các nhà hoạch định chính sách "vẫn còn chặng đường dài phải đi" và "rất có khả năng" họ sẽ có thêm một động thái thắt chặt nữa tại cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tiếp theo vào ngày 27/7, trừ phi có "sự thay đổi lớn" trong các số liệu kinh tế.

ECB cho rằng tiền lương tăng có nguy cơ dẫn đến giá cả cao hơn, và lặp lại cảnh báo rằng họ dự kiến lạm phát sẽ "duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài", thậm chí đến năm 2025 cũng chưa giảm về mục tiêu 2%.

Sau quyết định lãi suất của ECB, đồng Euro tăng 0,9% so với USD, đạt mức 1,094 USD đổi 1 Euro, mức tỉ giá cao nhất của đồng tiền chung châu Âu trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây.

Động thái tăng lãi suất mới nhất của ECB trái ngược với quyết định tạm dừng tăng lãi suất của Fed một ngày trước đó, mặc dù cả hai ngân hàng trung ương đều dự kiến sẽ có những đợt tăng lãi suất nữa. Trong tháng 6 này, các ngân hàng trung ương của Australia và Canada cũng đã nối lại chính sách thắt chặt sau một thời gian tạm dừng tăng lãi suất.

ECB, định chế có trụ sở ở Frankfurt, bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 7/2022 - bốn tháng sau khi Fed khởi động chu kỳ thắt chặt.  Lạm phát khu vực đồng Euro trong tháng 5 là 6,1%, cao hơn so với ở Mỹ.

Nguyễn Đức