Theo ghi nhận của MXV, sắc đỏ đã quay trở lại thị trường năng lượng thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Trong đó, giá cả hai mặt hàng dầu thô chính đều quay đầu giảm nhẹ dưới 1%. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 0,45%, xuống mốc 68,8 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI ghi nhận mức giảm 0,67%, dừng ở mốc 67 USD/thùng.
Sự chú ý của thị trường phần lớn được dành cho các chỉ báo về thị trường việc làm tại Mỹ công bố trong ngày hôm qua. Theo đó, phần lớn số liệu đều cho thấy những tín hiệu tích cực, đặc biệt là tỉ lệ thất nghiệp đã giảm trong tháng 6. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư lo ngại rằng các thông tin khả quan về thị trường lao động sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thận trọng và “chần chừ” trong việc đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất. Trước đó, Fed cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ lạm phát có thể gia tăng trở lại tại Mỹ dưới tác động của các chính sách thuế quan mới từ Nhà Trắng.
Điều này khiến thị trường năng lượng hiện tại vẫn đang chịu áp lực từ ba yếu tố chính. Thứ nhất, báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tiếp tục làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Mỹ trong thời gian tới. Thứ hai, khả năng OPEC+ sẽ tăng mạnh sản lượng trong tháng 8 làm gia tăng nguy cơ dư thừa nguồn cung trên thị trường. Thứ ba, những bất ổn liên quan đến triển vọng kinh tế Mỹ sau ngày 9/7, trong bối cảnh siêu dự luật về thuế và chi tiêu ngân sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump chuẩn bị được thông qua.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa quan hệ Mỹ - Iran cũng đang có những tiến triển tích cực. Theo nguồn tin từ Axios, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran có thể sẽ được nối lại vào tuần tới tại Oslo (Na Uy). Việc nối lại đàm phán được kỳ vọng sẽ là tín hiệu hạ nhiệt quan trọng, góp phần hỗ trợ đà giảm giá dầu trên thị trường. Tuy nhiên, Mỹ và Iran vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc, không chỉ liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran mà còn về các vấn đề khu vực khác.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên trên sàn NYMEX đã quay đầu giảm trong phiên giao dịch hôm qua, xuống còn 3,41 USD/MMBtu, tương đương mức giảm 2,26%. Do trùng với kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ (4/7), báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) về khí tự nhiên chỉ cập nhật số liệu tồn kho. Tuy nhiên, đây vẫn là yếu tố chính gây áp lực lên giá khi báo cáo tiếp tục ghi nhận tồn kho khí tự nhiên tại Mỹ duy trì xu hướng tăng liên tục.
Giá đường có phiên điều chỉnh kỹ thuật đi lên
Trái ngược với xu hướng chung của thị trường, nhóm nguyên liệu công nghiệp khép lại phiên giao dịch hôm qua với lực mua tích cực. Động lực chính hỗ trợ nhóm đến từ thị trường đường, khi giá đường thô 11 tăng mạnh 5,13% lên 361 USD/tấn, trong khi giá đường trắng cũng ghi nhận mức tăng 4,95%, lên 481,5 USD/tấn.
Về mặt kỹ thuật, sau nhiều phiên suy giảm, giá đường thô 11 đã có phản ứng tích cực khi chạm vùng hỗ trợ kỹ thuật quanh mức 340 – 350 USD/tấn, khiến giá bật tăng mạnh trở lại.
Bên cạnh đó, thị trường đường trong phiên hôm qua phản ứng mạnh trước thông tin về hiện tượng sương giá tại Brazil và những rủi ro thiệt hại đối với các cánh đồng mía tại quốc gia này. Ngoài ra, thông tin về việc Brazil chính thức phê duyệt chương trình E30 – nâng tỉ lệ pha trộn ethanol trong xăng lên 30% cũng góp phần hỗ trợ cho giá mặt hàng này, từ đó đẩy mạnh xu hướng chuyển dịch sản xuất từ đường sang ethanol tại các nhà máy.
Tuy nhiên, thị trường đường trong một khoảng thời gian dài trở lại đây vẫn đang chịu áp lực bởi nhiều yếu tố kết hợp. Sản lượng mía nghiền tại khu vực Trung Nam Brazil dù đạt kết quả tốt hơn kỳ vọng, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ niên vụ trước. Bên cạnh đó, sản lượng đường tại Thái Lan vượt xa dự báo, trong khi giá năng lượng lao dốc khiến giá ethanol thấp hơn giá đường, khiến các nhà máy chưa mạnh dạn chuyển đổi sản xuất sang ethanol.