Trong quá trình hoạt động, công ty có tạm nhập thiết bị, công cụ dụng cụ như: Máy để thử nghiệm thiết bị cao thế, cờ lê, mỏ lếch để phục vụ bảo trì,… (đây là những thiết bị chuyên dụng cho thiết bị của tập đoàn) từ các công ty trong cùng tập đoàn ở các nước khác.
Các thiết bị, công cụ, dụng cụ này được nhập vào Việt Nam theo hình thực tạm nhập – tái xuất, hoàn toàn không phải để sản xuất, thi công thực hiện các dự án đầu tư mà chỉ đóng vai trò phụ trợ (như đo kiểm, thử nghiệm, bảo trì…), không phải là thành tố chính tham gia vào sản xuất kinh doanh.
Xét ở góc độ vĩ mô, việc kiểm soát máy móc, thiết bị đã qua sử dụng là rất cần thiết nhằm mục tiêu bảo đảm máy móc thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu khi sử dụng tại Việt Nam không gây ra các ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng (môi trường, an toàn, tính mạng sức khỏe người sử dụng…).
Điểm d, Khoản 2, Điều 1 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg quy định: “2. Quyết định này không áp dụng đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong các trường hợp sau đây:
d) Các hình thức tạm nhập, tái xuất khác quy định tại Điều 15 và tạm xuất, tái nhập quy định tại Điều 17 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương (trừ trường hợp tạm nhập, tái xuất thực hiện các hợp đồng gia công; trường hợp nhập khẩu để sản xuất, thi công thực hiện các dự án đầu tư)”.
Thông tư 23/2015/TT-BKHCN cũng có quy định tương tự.
Ông Thái hỏi, công ty ông tạm nhập – tái xuất các thiết bị, công cụ, dụng cụ như nêu ở trên có thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 23/2015/TT-BKHCN và Quyết định 18/2019/QĐ-TTg hay không? Nếu thuộc phạm vi điều chỉnh thì Bộ có hướng xử lý nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sao cho hài hòa giữa yêu cầu quản lý vĩ mô, vừa không gây nguy hại đến các lợi ích công cộng (môi trường, an toàn, tính mạng sức khỏe người sử dụng…), vừa hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh?
Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời vấn đề này như sau:
Kể từ ngày 15/6/2019, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ (thay thế cho Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ).
Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo hình thức tạm nhập, tái xuất không phục vụ sản xuất kinh doanh (thực hiện hợp đồng gia công, sản xuất, thục hiện các dự án đầu tư) không thuộc pham vi điều chỉnh của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg, phạm vi điều chỉnh của quyết định là: “Máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có mã hàng hóa HS thuộc Chương 84 và Chương 85 quy định tại Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam”.
Mặt khác, tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg, định nghĩa: “Máy móc, thiết bị là một kết cấu hoàn chỉnh, gồm các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận có liên kết với nhau để vận hành, chuyển động theo mục đích sử dụng được thiết kế” và “Dây chuyền công nghệ là hệ thống các máy móc, thiết bị, công cụ, phương tiện được bố trí lắp đặt, kết nối liên hoàn tại một địa điểm nhất định theo sơ đồ, quy trình công nghệ đã thiết kế, bảo đảm vận hành đồng bộ để sản xuất”.
Do đó, có thể hiểu là: Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg không áp dụng đối với công cụ, dụng cụ, linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng của máy móc, thiết bị.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu công cụ, dụng cụ, linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng của máy móc, thiết bị phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Đối với các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, việc nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nhập khẩu quy định tại Điều 6 của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg. Trình tự, thủ tục nhập khẩu thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8 của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg.