In bài viết

Tầm nhìn chung và cơ hội hiện thực hóa 'giấc mơ Make in Vietnam'

(Chinhphu.vn) - Theo Tiến sĩ Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công Khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Tập đoàn Meta, Chương trình Thách thức Đổi mới Sáng tạo Việt Nam là một bước đi quan trọng để hướng tới “Việt Nam - một quốc gia số thịnh vượng”, khẳng định những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tầm nhìn về chuyển đối số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bài viết Minh Ngọc

25/10/2022 16:47

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hơn 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa

Phát biểu tại Lễ phát động Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 diễn ra hôm nay (25/10), ông Rafael Frankel chia sẻ chỉ vài tháng trước, tại San Francisco, Hoa Kỳ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Tập đoàn Meta đã ký Biên bản ghi nhớ để khởi động chương trình mang tên Thách thức Đổi mới Sáng tạo Việt Nam. Đây là cuộc thi được tổ chức hằng năm nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức/cá nhân cả trong và ngoài nước để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia. 

Chủ đề của "Thách thức Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2022" là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam. Sáng kiến này là một minh chứng cho cam kết lâu dài của Meta trong việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam cũng như khu vực tư nhân để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tập đoàn Meta: Hướng tới 'Việt Nam - một quốc gia số thịnh vượng' - Ảnh 1.

Tiến sĩ Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công Khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Tập đoàn Meta - Ảnh: Đức Trung/MPI

"Chúng tôi tin tưởng rằng các giải pháp thu được từ sự kiện thường niên này sẽ là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của đất nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của hơn 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, là lực lượng chiếm tới trên 98% tổng số doanh nghiệp", Tiến sĩ Rafael nhấn mạnh. 

Đại diện Tập đoàn Meta cũng hy vọng rằng sáng kiến này sẽ tiếp nối sự thành công từ các chương trình trước đây của Meta trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn 2018 - 2019, Tập đoàn đã ra mắt ba cộng đồng lập trình viên Developer Circles tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, qua đó cung cấp hỗ trợ cho hơn 3.000 lập trình viên trong nước. Là mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ tuổi của Việt Nam, các thành viên của Developer Circles có cơ hội tiếp cận các nội dung đào tạo và tập huấn từ các chuyên gia của Facebook (tên cũ của Meta) thông qua các sự kiện trực tiếp và hoạt động hỗ trợ trực tuyến.

Trong các năm 2019 và 2020, Meta đã tổ chức hai cuộc thi Thử thách Đổi mới dành cho các nhà lập trình Việt Nam để nâng cao kỹ năng cho các lập trình viên trẻ. Hơn 800 sinh viên công nghệ đã tham gia các chương trình thi đấu và đào tạo kéo dài 6 tháng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. 

Tầm nhìn chung và cơ hội hiện thực hóa "giấc mơ Make in Vietnam"

Chia sẻ tầm nhìn chung về một Việt Nam thịnh vượng, Tiến sĩ Rafael Frankel nhận định, nếu Việt Nam vươn mình với tốc độ nhanh như trong hai thập kỷ qua, thì nhìn xa hơn và dài hơn, ví dụ như trong 20 năm tới, những thành tựu lớn với một tương lại khả quan là hoàn toàn có thể đạt được. Từ năm 2019, Việt Nam đã khởi động chiến lược "Make in Vietnam" nhằm phát triển ngành công nghiệp CNTT-TT trong nước hướng tới việc chuyển từ lắp ráp và gia công sang thành một ngành công nghiệp có năng lực sáng tạo và thiết kế sản phẩm tại chỗ. Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Meta cho rằng nước ta có nhiều thuận lợi.

Thứ nhất, Việt Nam xếp thứ 44 trên thế giới về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021 và đứng thứ nhất trong số 34 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Người dân Việt Nam có tinh thần kinh doanh, sáng tạo, trẻ trung, có ý chí và kiên cường. Những đặc điểm này có thể giúp đất nước vượt lên trên chính mình để định hình tương lai của không gian số. Việt Nam đã và đang là một trong những quốc gia tích cực nhất trong công nghệ Internet thế hệ Web 3.0.

Thứ hai, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển đầu tiên triển khai thử nghiệm 5G vào năm 2019 và đã bắt đầu triển khai 5G vào năm 2022.

Thứ ba, trong báo cáo năm 2022 do Tập đoàn Meta và công ty tư vấn Bain & Company thực hiện với tựa đề 'Người tiêu dùng số khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn phát triển mới', Việt Nam đứng đầu trong số 11 quốc gia Đông Nam Á về việc áp dụng công nghệ tương lai. Thái độ tích cực đón nhận các công nghệ tương lai này không chỉ của các công ty khởi nghiệp, mà còn của đông đảo người dân. Đây là yếu tố giúp Việt Nam vững bước trên con đường đạt được mục tiêu chiến lược "Make in Vietnam".

Thứ tư, Việt Nam cũng đang tiến hành cải cách luật pháp toàn diện để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và chuẩn bị cho kỷ nguyên số. Luồng dữ liệu tự do xuyên biên giới và việc đảm bảo người dùng Việt Nam có thể tiếp cận các dịch vụ hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin cũng như các cơ chế bảo vệ dữ liệu do các công ty xuyên biên giới và trong nước cung cấp có ý nghĩa then chốt giúp chuyển đổi số thành công. 

Do đó, Tiến sĩ Rafael Frankel lưu ý điều đặc biệt quan trọng là cần đảm bảo để các quy định về nội dung trên Internet và về kinh tế số sẽ không tạo ra các rào cản số gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế trong nước và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. 

Cũng theo đại diện Meta, sự kết hợp của các yếu tố này sẽ tạo động lực để Việt Nam đạt được mục tiêu đầy tham vọng là phát triển nền kinh tế số từ mức đóng góp 8.2% vào GDP hiện tại lên mức 20% vào năm 2025, và chuyển đổi từ nền sản xuất công nghệ thấp sang nền kinh tế định hướng dịch vụ. 

Dự cảm về một Việt Nam phát triển mạnh kinh tế xanh

"Nếu tôi có thể nhìn vào một quả cầu thủy tinh để dự đoán tương lai, tôi sẽ thấy một Việt Nam phát triển mạnh mẽ không kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực", ông Rafael khẳng định.

Giám đốc Chính sách công Khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Tập đoàn Meta cho rằng trong tương lai, Việt Nam có thể dẫn đầu khu vực về kinh tế xanh, về công nghệ, tạo ra hàng triệu việc làm mới, sản sinh ra nhiều công ty kỳ lân hơn trước và đưa đất nước tiếp cận với Metaverse - một thế giới số với tiềm năng không giới hạn, có thể mở ra thật nhiều cơ hội mới cho kinh tế và xã hội phát triển. 

Một phần quan trọng trong tương lai mà ông Rafael dự báo là những đoàn xe điện do Việt Nam sản xuất bon bon trên khắp các nẻo đường Đông Nam Á, đồng thời mang lại việc làm và nguồn thu nhập cao cho hàng triệu người dân Việt Nam, mà vẫn giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp cho thế hệ mai sau. Việt Nam có thể là nơi hàng triệu kỹ sư phần mềm không chỉ lập trình cho các công ty công nghệ hàng đầu thế giới mà còn tự mình sở hữu và điều hành những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này.

Cùng với đó, các thiết bị thực tế ảo và thực tế tăng cường tốt nhất sẽ được xây dựng, tạo ra những trải nghiệm giáo dục bổ ích cho thế hệ sau. Hay đơn cử như một bác sĩ phẫu thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể đứng lớp dạy trực tuyến cho thế hệ bác sĩ phẫu thuật trẻ ở thành phố Huế mà không cần rời khỏi văn phòng mình.

Cho rằng tương lai này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Việt Nam, ông Rafael Frankel nhận định nước ta đang đứng ở một thời điểm quan trọng, có đủ tiềm lực để đảm bảo đất nước vững bước trên quỹ đạo dẫn tới một viễn cảnh tươi đẹp. Ngoài ra, tính chất mở cửa đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian qua cần được duy trì.

"Chúng tôi hy vọng rằng các chính sách kinh tế số của Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước cũng như lĩnh vực đổi mới sáng tạo đang phát triển nhanh chóng. 20 năm qua tôi đã thường xuyên đến Việt Nam và vẫn dự định sẽ tiếp tục đến đây trong 20 năm tới", lãnh đạo Tập đoàn Meta khẳng định./.

Minh Ngọc