Trong văn bản này, UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “chuyển từ phòng ngừa sang tấn công COVID-19 bằng công nghệ”. Theo đó, việc triển khai quản lý thông tin dựa trên hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó tập trung quản lý người ra vào các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người sử dụng mã QR là giải pháp rất quan trọng hỗ trợ cho việc truy vết.
Theo đó, đối tượng áp dụng việc triển khai là người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí, nơi tập trung đông người, trụ sở làm việc, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh các dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ, quán bar, vũ trường, karaoke, masage, làm đẹp, phòng tập thể dục thể hình, cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn.
Thực hiện quét mã QR ở những nơi tập trung đông người như: Bệnh viện, các cơ sở y tế, chung cư, trường học, nhà ga, bến xe, nhà chờ và trên phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu, đám tang, đám cưới, địa điểm tham quan, du lịch, vui chơi, giải trí, khu tâm linh…
UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo quyết liệt việc khai báo y tế điện tử và quét mã QR.
Việc triển khai trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” nhưng phải bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo đảm tất cả các đối tượng trên địa bàn đều triển khai việc quét mã QR quản lý thông tin ra vào.
Công văn cũng giao trách nhiệm cho các đơn vị: Ban quản lý Các khu công nghiệp; giám đốc các sở: Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Y tế; Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác truyền thông đến các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện việc khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra vào các địa điểm nói trên.
Tài liệu hướng dẫn sử dụng và triển khai quét mã QR để quản lý người ra vào có thể tải về từ địa chỉ http://bluezone.gov.vn/tai-lieu.
Vận hành Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19
Để có thêm công cụ giúp người dân nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương đưa vào hoạt động Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 tỉnh Bình Dương tại địa chỉ: bandocovid.binhduong.gov.vn.
Bản đồ cung cấp thông tin về ca dương tính, các F1, cơ sở y tế, điểm dịch tễ, điểm phong tỏa, trạm cấp cứu, vùng cách ly. Đồng thời, người dân cũng có thể tra cứu các thông tin về chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, điểm bán khẩu trang, siêu thị, trạm xăng...
Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 không chỉ giúp người dân theo dõi trực quan thông tin dịch tễ các ca bệnh tại địa phương thông qua mạng Internet, mà còn giúp chính quyền có thêm giải pháp công nghệ số để phục vụ quản lý, điều hành trong phòng, chống dịch.
Để xem bản đồ COVID-19 tỉnh Bình Dương, người dân truy cập vào địa chỉ: http://bandocovid.binhduong.gov.vn, hoặc click vào banner trên Cổng TTĐT Bình Dương (www.binhduong.gov.vn).
Tra cứu các thông tin cần biết bằng cách click vào biểu tượng ở góc trái bản đồ (biểu tượng khoanh đỏ).
Thí điểm phần mềm hỗ trợ truy vết COVID-19 trong doanh nghiệp
Nhằm góp phần nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thực hiện “thắng lợi mục tiêu kép”, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương vừa phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương triển khai thí điểm phần mềm hỗ trợ truy vết COVID-19 trong doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp (KCN).
Trước mắt, Sở lựa chọn 10 doanh nghiệp có số lượng người lao động từ 1 nghìn đến 10 nghìn người để triển khai thí điểm phần mềm hỗ trợ truy vết COVID-19 cho doanh nghiệp tại đường dẫn http://qlcn.binhduong.gov.vn.
Các doanh nghiệp lựa chọn nhân sự làm đầu mối tiếp nhận tài khoản phần mềm từ Sở Thông tin và Truyền thông và thực hiện cập nhật dữ liệu người lao động và các biến động liên quan hằng ngày trên phần mềm theo hướng dẫn của Sở.
Phần mềm hỗ trợ truy vết COVID-19 cho doanh nghiệp hoạt động với mục đích giúp UBND tỉnh quản lý chặt chẽ số lượng công nhân theo từng công ty, quản lý lịch sử về nơi ở, nơi làm việc và lịch trình di chuyển trên phương tiện ô tô đưa đón, từ đó khi phát hiện có trường hợp nhiễm COVID–19 để kịp thời khoanh vùng, cách ly những trường hợp có tiếp xúc gần. Hiện tại, 10 doanh nghiệp ở KCN Sóng Thần I; KCN Sóng Thần II; KCN VSIP đang hợp tác triển khai thí điểm phần mềm nói trên.
Ghi nhận 766 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận tổng cộng 766 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, 01 trường hợp tử vong. Dịch bệnh đã xuất hiện ở 40 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.
Ngày 5/7 Bình Dương ghi nhận 131 ca mắc COVID-19, riêng buổi chiều đã ghi nhận 114 ca mắc. Trong số này, có 110 ca ở khu cách ly, 03 ca phát hiện tại cơ sở y tế, 01 ca là học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Tân Bình, Dĩ An) phát hiện khi xét nghiệm sàng lọc thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp. Về yếu tố dịch tễ, có 110 ca liên quan đến ổ dịch tại Công ty Wanek 2; 04 ca trong cộng đồng.
Lũy kế tại Bình Dương đã có 812 ca mắc COVID-19, gồm: 32 công dân Việt Nam về từ nước ngoài do Quân khu 7 điều tiết, 07 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, 772 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 01 ca nhập cảnh trái phép từ Campuchia. Số bệnh nhân đang điều trị là 763 trường hợp./.