Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định muộn nhất là cuối tháng 5 Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp hỗ trợ theo Nghị quyết 13 của Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã yêu cầu tất cả các cơ quan của Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thành những giải pháp liên quan đến hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 13. “Muộn nhất là trong tháng 5 phải công bố”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói.
Mấy tuần nay, ngành Tài chính đang tổ chức một loạt các tuần lễ “Lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp” do cục thuế các địa phương tổ chức để cùng với các giải pháp vừa được Chính phủ ban hành hỗ trợ một cách thiết thực nhất, thuận tiện nhất cho các doanh nghiệp, đưa những chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Không phải là điều chỉnh chính sách
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ xác định mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội năm 2012 là không thay đổi. Mục tiêu hàng đầu vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế cho được lạm phát ở mức một con số, phấn đấu tăng trưởng hợp lý, ở mức khoảng 6%.
Vì vậy, Bộ trưởng khẳng định: “Đây không phải là lần điều chỉnh chính sách, mà theo đánh giá của tôi cũng như các chuyên gia trong nước và nước ngoài, đây là phản ứng tích cực và kịp thời của Chính phủ, với liều lượng phù hợp, đồng thời vẫn phù hợp với mục tiêu “kép” mà chúng ta đã đặt ra và kiên định từ đầu năm”.
Dẫn báo cáo của Fitch Rating (Hoa Kỳ) và các tổ chức xếp hạng uy tín của thế giới cho rằng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã dần được ổn định, và Việt Nam có cơ sở để đạt tăng trưởng khoảng 6%, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng các chính sách vĩ mô đang đi đúng hướng và các mục tiêu chủ yếu là có thể đạt được.
Chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ nhịp nhàng
Khi phóng viên nêu ý kiến của các chuyên gia về việc các chính sách tài khóa, tiền tệ còn chưa được phối hợp nhịp nhàng, do vậy, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, trong nhiều trường hợp còn “gây khó” cho nhau, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói: “Tôi và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đều đã có nhận thức chung là hơn lúc nào hết, thời điểm này, giai đoạn này, cần phải tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ”.
Về chính sách tiền tệ, Nghị quyết 13 yêu cầu tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất và cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp để có thể đáp ứng các tiêu chí, chuẩn mực tín dụng để tiếp cận vốn. Và khi lãi suất đã được giảm xuống khoảng 15%/năm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận, thì đây là thời điểm chính sách tài khóa phải hỗ trợ, chia sẻ nhiều hơn cho chính sách tiền tệ.
Giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước trông chờ nhất chính là đẩy mạnh chi tiêu công, tạo ra thanh khoản cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn đầu, nếu tiếp cận được các chính sách tài khóa, thì các doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn, làm tăng khả năng hấp thụ được vốn của tín dụng.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, ngoài nhận thức chung giữa lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, việc thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan chắc chắn sẽ đảm bảo chính sách tài khóa và tiền tệ luôn luôn kết hợp chặt chẽ với nhau.
“Tôi cũng muốn nói rằng sắp tới đây sẽ có sự phối hợp rất chặt chẽ trong việc huy động vốn trên thị trường tín phiếu ngân hàng cũng như trái phiếu Chính phủ, kết hợp với nhau trong việc tiếp tục phát triển bền vững thị trường chứng khoán, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn để chia sẻ cho kênh huy động vốn ngắn hạn, làm cho doanh nghiệp không chỉ dựa vào một kênh huy động vốn là tín dụng, giúp họ khắc phục nhược điểm chính hiện nay là dùng vốn ngắn hạn để tài trợ cho các mục tiêu trung hạn và dài hạn”, Bộ trưởng Huệ cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc những giải pháp vừa được ban hành đã đầy đủ chưa, có cần bổ sung thêm không, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhận xét: “Tại thời điểm hiện nay, chúng tôi cho rằng liều lượng và các giải pháp về tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã ban hành trong Nghị quyết 13 là phù hợp. Đương nhiên chúng ta còn phải tiếp tục theo dõi sát và cập nhật tình hình”.
“Trong trường hợp doanh nghiệp còn có những khó khăn hoặc phát sinh những khó khăn mới, thậm chí có thể xuất hiện những dấu hiệu về suy giảm, trên cơ sở cập nhật tình hình, Bộ Tài chính cũng sẽ có những nghiên cứu để đề xuất với chính phủ những giải pháp bổ sung, tùy thuộc vào tình hình, diễn biến của việc thực hiện gói giải pháp của Nghị quyết 13 cũng như các giải pháp điều hành kinh tế của chúng ta trong thời gian vừa qua”, Bộ trưởng Huệ nói.
Doanh nghiệp cần nỗ lực để tự cứu mình
Tái khẳng định Nghị quyết 13 là gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, không phải gói giải pháp giải cứu doanh nghiệp hay kích cầu quy mô lớn như các giải pháp năm 2009, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng trong điều kiện khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp trước hết phải tự mình biết cách vượt qua khó khăn, cơ cấu lại hoạt động, tổ chức, quản trị, tài chính.
Số liệu điều tra, thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Cục Thống kê cũng như số liệu trong quản lý thuế của Bộ Tài chính đã chứng minh một thực tế là những doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động thời gian qua phần lớn là những doanh nghiệp mới thành lập từ 1 - 2 năm, tiềm lực tài chính còn rất mỏng, định hướng kinh doanh không rõ ràng, quản trị còn có yếu kém. Từ thực tế này, Bộ trưởng Huệ cho rằng trước hết các doanh nghiệp cần phải khắc phục cho được những điểm yếu của chính mình.
“Chỉ như vậy, cộng với sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp mới có thể vượt qua được khó khăn”, Bộ trưởng quả quyết.
Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan điểm chung, xuyên suốt rằng Đảng, Nhà nước luôn đứng cạnh doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển, đóng góp vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Tôi cho rằng doanh nghiệp nào biết tự tái cơ cấu, tận dụng tốt sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ vượt qua khó khăn, trụ vững để tiếp tục phát triển trong thời gian tới”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ kết luận.
Xuân Tuyến
Tin, bài liên quan:
>> Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Hỗ trợ đúng đối tượng và minh bạch