![]() |
Thiếu nữ Hà Nội, thiếu nữ Sài Gòn giờ đây đều uống trà đá. |
Nó lại hỏi: “Sao ông không uống trà đá mà chỉ uống trà đặc nóng? Bọn cháu không uống được trà đặc đâu ông ạ”.
Thì ra chỉ có mấy chục năm thôi mà lối uống trà của người Hà Nội đã đổi thay nhanh chóng đến vậy.
Thuở còn đi học trạc tuổi con bé cháu tôi bây giờ, tôi sống với bố mẹ và ông bà nội. Thời ấy, bà tôi thường nấu nồi nước lá vối để trong bếp hay pha ấm nước nụ vối ủ trong giỏ. Lũ trẻ chúng tôi thì chỉ uống nước lọc. Thỉnh thoảng theo bà, theo mẹ ra chợ khát nước bà mua bát chè tươi, san ra hai bát, hai bà cháu uống cho đỡ khát.
Thời ấy Hà Nội tuyệt không có trà đá. Nói đến trà đá thì phải hiểu được lịch sử của nước đá Hà Nội nó ra làm sao. Nước đá có mặt ở Hà Nội từ bao giờ? Ai là người đem nước đá vào Việt Nam?
Thực ra, cho đến tận cuối thế kỉ XVIII nước đá mới xuất hiện ở Việt Nam. Trước thời điểm này, hầu hết người Việt không biết nước đá là gì. Chỉ có số ít đồng bào sống trên núi cao như Sa Pa (Lào Cai) hay Mẫu Sơn (Lạng Sơn) họa hoằn lắm mới thấy chút băng giá vào sáng sớm mùa đông hay cảnh tuyết rơi trăm năm mới có một lần.
Nhà máy nước đá ở đầu tiên ở Hà Nội nằm trên đường Trần Quang Khải. Cái tháp làm mát nước và bay hơi các tạp chất là một khối bê tông vuông đặt trên bốn trụ có nhiều khe hở như những tấm cửa sổ lớn mở ra bốn bề không khí thoáng đãng bên sông Hồng đã là một trong những biểu trưng của nền công nghiệp Pháp ở Việt Nam cuối thế kỉ 18. Hồi ấy, hình tháp nước này được người ta in thành bưu ảnh đem bán khắp nơi.
Thời tôi còn nhỏ, nước đá Hà Nội chủ yếu sản xuất từ nhà máy này, sau này, tôi còn thấy người ta sản xuất nước đá trong một vài nơi khác như một xưởng tư nhân ở cửa ga Hàng Cỏ và xưởng khác ở trong Ngõ Huế.
Trong những năm 50, 60 của thế kỉ trước, hồi tôi còn nhỏ, nước đá là mặt hàng xa xỉ đối với nhiều người dân Hà Nội. Muốn mua được nước đá người ta phải ra các đại lí. Ở đấy họ chở về những cây đá lớn phủ bao tải để giữ lạnh. Mua từng cục đá về phải ủ trấu khô, đắp bao tải để giữ đá lâu tan. Trong những gia đình khá giả thì họ giữ trong những phích đá thủy tinh như những chiếc thùng kem que của trẻ em bán dạo trên hè phố, tàu điện.
Trong các gia đình giàu có như trong nhà một vài bác sỹ nổi tiếng hay các viên chức cao cấp người ta mới có cái tủ lạnh. Cái tủ lạnh ấy ở Hà Nội không nhiều và thường do hãng Ford của Hoa Kì sản xuất và chạy bằng điện, nén khí amoniac. Trong những nhà giàu này họ cũng không có tập quán uống trà đá mà chỉ uống nước mát thôi.
Chỉ sau khi giải phóng miền Nam 1975 và sau những đợt gửi công nhân ồ ạt đi hợp tác xuất khẩu sang Liên Xô và Đông Âu cũ, cái tủ lạnh mới được đưa từ trong Nam ra hay đóng thùng gửi từ nước ngoài về. Từ đó, nước đá và thói quen uống nước lạnh mới trở nên phổ biến trong các gia đình thành thị Hà Nội.
Cái thói uống nước lạnh đồng hành với khả năng sản xuất ra nước đá, khả năng mua sắm tủ lạnh của mỗi gia đình và khả năng cung cấp tiêu thụ điện. Tuy vậy, cái thói quen uống nước lạnh và uống trà đá từ đâu mà ra? Dân Hà Nội đã biết dùng nước đá, nước lạnh từ cuối thế kỉ 18 nhưng cái thói quen uống trà đá thì có từ bao giờ?
Thuở xưa, người Hà Nội ít uống Trà tàu mà chỉ uống nụ vối, lá vối, chè hạt, chè tươi và nước lọc. Uống trà Tàu (trà mạn, trà sen…) chỉ trong một số gia đình và cũng không phải là thứ uống thường xuyên. Sau này, mở rộng sản xuất khai hoang, nhiều nông trường trồng chè xuất hiện ở nhiều vùng trung du như Thái Nguyên, Phú Thọ nên sản lượng chè cũng theo đó mà tăng lên.
Các anh bộ đội tập kết xa nhà thường tụ tập ngồi uống chè nóng hãm thật đặc trong nỗi đau đáu hướng về quê hương miền Nam đang trong “nước sôi lửa bỏng” và lối uống chè dần dần lan rộng ra khắp nơi.
Đặc biệt khi có chính sách tem phiếu, nhiều người không biết uống chè là gì nhưng khi được cấp tem phiếu có bán thì không mua cũng tiếc và rồi dần dần uống chè thành thói quen. Trong thời chiến tranh ác liệt cũng như thời kinh tế quan liêu bao cấp thiếu thốn trăm bề, cốc chè là người bạn tâm tình của bao con người đang gồng mình vượt khó.
Chỉ từ sau giải phóng miền Nam, lối uống trà đá mới được người Bắc vào Nam và người Nam ra Bắc phổ biến.
Thuở ấy, trai Hà Nội hay kháo nhau con gái Sài Gòn “lắm em chân dài cao ráo xinh ra phết nhưng chỉ mỗi cái tội hay bị sún răng bởi uống trà đá suốt ngày”.
Hồi tôi mới vào Sài Gòn thì ăn cơm, ăn phở xong cứ việc gọi trà đá miễn phí. Anh bạn tôi trong Sài Gòn ra Hà Nội hồi ấy ăn phở nóng xong gọi ly trà đá mà chỉ toàn chè chén nóng uống bỏng lưỡi. Nay thì gọi đâu cũng có.
Các bà già bán nước đầu đường góc phố vẫn yên vị với chiếc ấm giỏ, mấy cái ghế thấp lùn lè, cái điếu cầy dựng một góc như một chứng nhân, một sưu tập hóa thạch của cuộc sống Thủ đô thời bao cấp nhưng chỉ đổi khác ở chỗ vừa có trà nóng hổi lại bán cả trà đá và đủ loại thuốc lá ngoại. Cái chén tống sứ cũng biến đâu cả rồi mà lại thay bằng cốc thủy tinh. Cốc thủy tinh dùng uống trà đá thì hợp, chứ rót chè nóng vào nó cứ ngang ngang không hợp. Góp ý mãi mà các bà cũng chẳng sửa.
Cháu tôi muốn uống trà đá là quyền của nó. Hôm nay, mẹ nó dặn không cho cháu uống sợ viêm họng thì ông không dại gì mà trái ý.
Thiếu nữ Hà Nội, thiếu nữ Sài Gòn giờ đây đều uống trà đá, nhưng chẳng hiểu sao các bộ răng của các em lại vừa trắng, vừa đẹp, lại vừa xinh. Có lẽ do các em biết uống trà đá đúng cách chăng?
TS Vũ Thế Long